BÌNH THUẬN

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh

09:44:05 | 26/1/2024

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận được thành lập lại theo QĐ 3616/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận hoạt động chính trong lĩnh vực ươm giống, trồng rừng, khai thác rừng, chế biến gỗ và dịch vụ… Trong những năm qua, Công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, tích cực phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.


Ông Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận

Ông Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết: Ngay sau khi hợp nhất cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các Sở, ngành, địa phương; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong toàn Công ty từ những cán bộ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân, nhân viên, người lao động luôn hăng say làm việc, lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao; bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty là sản xuất lâm nghiệp, ngành nghề cốt lõi là trồng rừng và sản xuất, chế biến gỗ. Hiện nay, Công ty được Nhà nước cho thuê đất và quản lý rừng tự nhiên để sản xuất kinh doanh với quy mô tổng diện tích 18.000 ha, trong đó có diện tích rừng trồng hơn 10.000 ha, bao gồm cao su, keo lai, và bạch đàn (Keo lá tràm: 5000 ha, Bạch đàn 3000 ha, cao su: 2000 ha. Diện tích rừng tự nhiên gần 4.000 ha. Hiện nay rừng có chứng chỉ FSC gần 10.000 ha.

Trong quá trình phát triển của mình, Công ty luôn xác định mục tiêu trọng tâm cốt lõi là nâng cao chất lượng rừng trồng. Hiện nay, Công ty đã đầu tư kín 100% diện tích đất, vì vậy để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, thời gian qua, Công ty đã tập trung áp dụng các phương pháp trồng rừng hiệu quả, giảm chi phí đầu tư,…

Theo đó, Công ty tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng hiện nay thuộc lâm phận quản lý. Đổi mới công nghệ trồng và chăm sóc rừng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng. Đồng thời, phối hợp với các Viên nghiên cứu lâm học trên cả nước để cùng đồng hành, chia sẻ một số kinh nghiệm để nghiên cứu một số nguồn giống, giải pháp xử lý rừng trồng và giải pháp xử lý loại sâu bệnh nhằm nâng cao chất lượng rừng nhằm tiết giảm chi phí đầu tư đầu vào.

Ngoài ra, tổ chức đánh giá sinh trưởng rừng trồng hàng năm để kịp thời bổ sung các giải pháp hợp lý cho từng giai đoạn của rừng trồng nguyên liệu. Lập quy hoạch tổng thể diện tích đất sản xuất để có kế hoạch thực hiện trồng các loài cây phù hợp với thổ nhưỡng cục bộ từng vùng (đất nào cây đó) để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, với đặc thù hoạt động sản xuất lâm nghiệp Công ty luôn xác định mục tiêu xuyên suốt, đó là, sản xuất kinh doanh phải gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng. Thời gian qua, Công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng đến từng khu vực; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng bảo vệ rừng và hợp đồng với người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống giáp ranh với diện tích quản lý của Công ty; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm liên quan đến quản lý rừng, quản lý đất đai. Tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành trong việc tuần tra, ngăn chặn cũng như xử lý các vụ việc liên quan đến quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, Công ty hiện đang gấp rút tập trung công tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý đất để thuận lợi trong công tác quản lý và bảo vệ tài sản rừng trồng Công ty cũng như việc đầu tư các công trình lâm sinh mang tính dài hạn như Cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm ổn định sản xuất theo định hướng lâu dài.

Bên cạnh hoạt động sản xuất rừng trồng, Công ty còn vận hành hiệu quả nhà máy chế biến sản phẩm đồ gỗ cao cấp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, nâng cao đời sống, đảm bảo việc làm cho của người dân tại các địa phương. Đến nay những sản phẩm đồ gỗ cao cấp của Công ty như: bàn ghế tủ giường cao cấp, salon, sofa, trường kỷ… đã từng bước đứng vững trong lòng người tiêu dùng của tỉnh Bình Thuận.

Về chính sách đối với người lao động, ông Lê Ngọc Cường chia sẻ: Công ty luôn xem việc việc thực hiện chính sách người lao động và đào tạo nâng cao nghiệp vụ nguồn lực con người là yếu tố quan trọng. Do đó, Công ty quan tâm và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Tích cực quan tâm, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, kiến thức quản lý và chuyên môn phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để đáp ứng tình hình chung. Đảm bảo đầy đủ các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và nghĩa vụ thuế với Nhà nước… Ngoài ra, đơn vị cũng làm tốt công tác xã hội từ thiện, xây dựng các quỹ ủng hộ, hỗ trợ các chương trình do các cấp, các ngành và địa phương phát động.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới hướng tới mục tiêu đưa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh, có quy mô lớn, tập trung ứng dụng công nghệ và khoa học và quản lý hiện đại vào chuyên môn hoá ngành nghề kinh doanh, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Tận dụng tối đa giá trị thương hiệu để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Công ty sẽ tiếp tục duy trì những giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng. Trong đó, tập trung chủ yếu nghiên cứu các loại giống mới cây lâm nghiệp có chất lượng cao và áp dụng khoa học công nghệ cấy mô cây giống lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất rừng trồng để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty. Hoàn thành công tác lập dự án vườn ươm cấy mô tại Hàm Tân dự kiến trong năm 2024 sẽ khởi công xây dựng nhà ươm cấy mô nhằm đáp ứng yêu cầu trồng cây gỗ lớn theo chiến lược kinh doanh dài hạn của Công ty và được chấp thuận tại Đề án Cơ cấu lại Doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại sản xuất kinh doanh rừng trồng trọng tâm vào quy hoạch khu vực, vùng từng đối tương đất cho phù hợp việc để thực hiện thiết kế, quy trình kỹ thuật áp dụng cho việc thâm canh gỗ lớn và chuyển hoá rừng nhỏ sang rừng gỗ lớn từ 9-12 năm tuổi nhằm đem lại hiệu quả cao cho từng đơn vị sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, lợi ích kép về kinh tế và môi trường. Song song đó, đưa sản phẩm nguyên liệu rừng trồng theo chu kỳ 5-6 năm sau thu hoạch có chứng chỉ FSC/CoC để chế biến nhằm nâng cao giá trị rừng trồng Công ty để tạo chuỗi giá trị từ gieo ươm, trồng rừng, chế biến, dịch vụ, xuất khẩu.

Đồng thời tiếp tục tìm kiếm đơn vị liên kết, liên doanh các đối tác có năng lực tài chính và phù hợp với ngành nhề kinh doanh để thực hiện dự án nhà máy chế biến thô (hoặc tinh) hướng đến thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC/CoC. Xây dựng Nhà máy sản xuất ván nhân tạo, nhà máy viên nén, băm dăm chi phí khoản 180 tỷ với máy móc thiết bị của Châu Âu để sản xuất viên nén gỗ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và EU... công suất tối thiểu 50.000 tấn viên nén gỗ/năm và các sản phẩm nội ngoại thất nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ rừng trồng… - ông Lê Ngọc Cường nhấn mạnh./.

Hàng năm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận trồng rừng và khai thác rừng trồng trên 1000 ha, quản lý bảo vệ rừng và đất rừng trên 17.000 ha. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nộp ngân sách đúng quy định của pháp luật, tạo công ăn việc làm cho gần 200 cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty và hơn 300 lao động tại địa phương góp phần ổn định doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Nguồn:  Vietnam Business Forum