Với sự nỗ lực tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông có thể chia sẻ về một số hoạt động nổi bật của ngành GTVT tỉnh thời gian qua?
Hiện nay, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế đang quản lý 624km đường tỉnh, 105km tuyến quốc lộ 49B được Trung ương ủy thác, 338,45km tuyến đường thủy nội địa trên tổng số 560km đường thủy trên toàn tỉnh (trong đó các tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 153,6km và các tuyến đường thủy nội địa địa phương là 184,85km), 106 bến cảng hàng hóa và hành khách. Ngoài ra, Sở còn thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao ủy quyền thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 35km tuyến QL1 thuộc dự án BOT mở rộng QL1.
Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành GTVT đã làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường tỉnh, quốc lộ ủy thác và đường thủy nội địa nên hệ thống đường bộ và đường thủy nội địa luôn luôn đảm bảo an toàn, êm thuận và thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông trong tỉnh đã từng bước được thực hiện theo đúng quy hoạch, tạo thành một hệ thống đồng bộ.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực GTVT, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Cụ thể là tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, huyết mạch trên địa bàn tỉnh, hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ đảm bảo hiệu quả; đề xuất, thực hiện các giải pháp thiết thực trong công tác quản lý vận tải nhằm giảm bớt thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ hệ thống giao thông. Tăng cường công tác duy tu, bảo trì và nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng,...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối hài hòa, thuận tiện với nhiều công trình giao thông có sức lan tỏa. Ông có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này?
Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 460 về việc triển khai Kết luận số 445 ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển KT - XH bền vững.
Một số dự án trọng điểm được đôn đốc triển khai như: Mở rộng hầm Phước Tượng - Phú Gia, QL49A và 49B; cao tốc Cam Lộ - La Sơn; mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài, nâng công suất cảng HKQT Phú Bài lên 9 triệu khách/năm. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển KT-XH như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài,...
Đâu là những mục tiêu hàng đầu mà ngành GTVT sẽ tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian tới, trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh giao, ngành GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ bám sát chương trình, kế hoạch để triển khai theo tiến độ đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Đối với dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn được giao đảm bảo kế hoạch vốn đã đề ra; tranh thủ đề xuất kiến nghị các cấp lãnh đạo tháo gỡ vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án trọng điểm, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hình thành và đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tăng cường kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung cho công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, duy tu sửa chữa nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Đảm bảo hoạt động vận tải ổn định và nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GTVT năm 2024 và các năm tiếp theo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong đổi giấy phép lái xe do Sở GTVT cấp,...
Trân trọng cảm ơn ông!
Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI