BẮC GIANG

Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc: Vững tin tiến về phía trước

09:52:12 | 16/4/2024

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1965, Đạm Hà Bắc là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên, cũng là cánh chim đầu đàn của ngành sản xuất đạm và hóa chất cả nước. Trong quá trình hoạt động, từ thua lỗ đến kinh doanh có lãi, đặc biệt trong 3 năm gần đây, sẽ tạo đà để Công ty vững bước trong tương lai.


Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, cơ quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Đạm Hà Bắc

Năm 2015, sau khi Dự án mở rộng kết hợp cải tạo dây chuyền sản xuất (tăng công suất từ 180 nghìn tấn lên 500 nghìn tấn/năm) đưa vào vận hành, Công ty kinh doanh lại thua lỗ nhiều năm sau đó. Những năm gần đây, được sự tháo gỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là bằng quyết tâm, nỗ lực của doanh nghiệp, Đạm Hà Bắc đã “ngược dòng” và đạt lợi nhuận trong 3 năm liền từ 2021 đến nay. Đáng mừng hơn, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, kỳ vọng tháo gỡ nhiều nút thắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 19/12/2023), tạo khí thế phấn khởi cho tập thể cán bộ, công nhân viên, đồng thời hứa hẹn sự khởi đầu phát triển mới của Đạm Hà Bắc.

Thành quả từ nỗ lực bứt phá

Trong bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp năm 2023, Đạm Hà Bắc còn đối mặt nhiều khó khăn riêng. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, nhất là giá than đá không ngừng tăng trong khi giá bán urê và NH3 giảm mạnh (40 - 45% so với năm 2022). Ngoài ra, tình trạng nguồn cung ứng điện vừa thiếu lại không ổn định dẫn đến Công ty phải giảm tải sản xuất và ngừng máy đột xuất nhiều lần gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trước thực trạng trên, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp như: Cân đối phụ tải sản xuất; điều hành linh hoạt phương thức huy động thiết bị; nghiên cứu hệ thống điện tự động tách lưới khi điện lưới không ổn định;… và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật trong từng khâu, bộ phận trên toàn hệ thống dây chuyền để giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu. Qua đó, giảm chi phí 95 tỷ đồng so với kế hoạch. Cùng với đó là việc chọn thời điểm sửa chữa tập trung hợp lý, tránh thời điểm mùa vụ; đảm bảo việc sửa chữa đúng chất lượng và tiến độ; đẩy mạnh mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ theo hình thức đấu thầu, báo giá cạnh tranh,… giúp giảm chi phí gần 10 tỷ đồng,...


Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại Đạm Hà Bắc

Công ty cũng chủ động nắm bắt thông tin để áp dụng chính sách bán hàng phù hợp nhằm giữ vững hệ thống phân phối, thị phần và đem lại hiệu quả cao. Cụ thể, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thế giới và trong nước, giá bán urê mang lại hiệu quả hơn NH3 nên Công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu đạt hơn 55.000 tấn urê, mang lại giá trị hơn 22 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty cũng đẩy mạnh các biện pháp cân đối hiệu quả dòng tài chính, tích cực làm việc với các ngân hàng để giảm lãi suất vay, tập trung trả được nợ gốc 278 tỷ đồng để giảm chi phí lãi vay. Đồng thời rà soát, ban hành hơn 70 quy chế làm việc, quy định sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các đơn vị.

Ngoài ra, Công ty tích cực phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu hoàn thành Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (Quyết định số 118/QĐ-TT ngày 19/12/2023). Đề án mở ra hướng tháo gỡ khó khăn và tạo tiền đề nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh trong những năm tới, giúp người lao động phấn khởi, yên tâm gắn bó với công việc.         

Ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, năm 2023 Đạm Hà Bắc tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng kể: Sản lượng đạt 452.168 tấn urê quy đổi; sản lượng tiêu thụ 471.200 tấn urê quy đổi (năm tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay); doanh thu đạt 4.435 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch,… Đặc biệt, lợi nhuận đạt 858 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp có lợi nhuận; thu nhập và đời sống của người lao động cải thiện; từ đó đóng góp tích cực vào thành tích chung của Tập đoàn.

Đánh giá về sự chuyển biến tích cực của Công ty, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ: Đây là cả một quá trình, trong đó phải kể đến đầu tiên là nỗ lực của Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như Đảng ủy Công ty. Hy vọng với những cơ chế chính sách, đặc biệt là phương án tái cơ cấu tài chính được giải quyết, Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có lãi.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ

Có được sự khởi sắc và hiệu quả những năm gần đây cũng chính là nhờ Đạm Hà Bắc đã không ngừng đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu đề tài khoa học vào sản xuất. Cụ thể như việc ứng dụng bọc vi sinh cho phân bón vô cơ, bổ sung vi chất dưới dạng nano, công nghệ màng bọc chống thất thoát đạm,… để cho ra đời các dòng sản phẩm urê mới phù hợp nhiều loại cây trồng và thân thiện môi trường như: Urê N46TE, urê N46+, urê N46+ TE Sil,… Công ty cũng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế như: Tính toán, thiết kế, lắp đặt hệ thống đường ống dung dịch urê lên tháp tạo hạt để nâng cao chất lượng; thiết kế chế tạo và lắp đặt hệ thống băng tải chuyển đạm trực tiếp xưởng tổng hợp urê nâng cao năng suất bốc xếp, cấp đạm,…


Nhà máy Đạm Hà Bắc 

Đạm Hà Bắc cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ trong khâu bán hàng. Công ty đã thiết lập đường dây nóng để khách hàng phản ánh, giải đáp thắc mắc và xử lý khiếu nại kịp thời; rà soát và tổ chức lại hệ thống bán hàng phù hợp cũng như tăng cường nguồn nhân lực được đào tạo, yếu tố mới cho đội ngũ bán hàng.

Điểm nhấn nổi bật trong nhiều năm qua là việc xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp. Đó không chỉ là việc gắn kết, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ, nhân viên; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh mà còn là việc tuân thủ các chuẩn mực trong giao tiếp khi làm việc; sắp xếp không gian làm việc gọn gàng, sạch sẽ; xử lý công việc đúng hạn và đảm bảo chất lượng,…

Những năm tới, Đạm Hà Bắc sẽ nỗ lực giữ vững vị thế là doanh nghiệp top đầu cả nước trong sản xuất - kinh doanh phân bón với sản lượng 450.000 tấn urê quy đổi/năm. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Công ty tiếp tục tiên phong đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm cho ra đời các loại phân bón phù hợp nhiều loại cây trồng và thổ nhưỡng khác nhau. Tuy vậy, với lĩnh vực hoạt động và loại hình doanh nghiệp đặc thù, Đạm Hà Bắc cũng mong muốn Chính phủ, các ban, bộ ngành đẩy nhanh việc tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển của doanh nghiệp, nhất là có chính sách thuế giá trị gia tăng phù hợp (chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế 0 hoặc 5%) nhằm tạo cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm xuất phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu.

Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)