Huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) là địa phương đi đầu trong phong trào dồn điền đổi thửa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với 50 mô hình nhà màng, nhà lưới được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm.
Thông tin từ UBND huyện Yên Dũng, đến nay, đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn huyện có 40 thôn NTM kiểu mẫu, mỗi xã đã đạt chuẩn NTM có tối thiểu 1 thôn kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện Yên Dũng cũng đã có 159/159 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, nhiều nhà văn hóa có diện tích, quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại.
Chuyển biến rõ ở các thôn NTM kiểu mẫu là nhân dân chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các hộ đã tập trung cải tạo vườn tạp theo hướng xây dựng mô hình nhà sạch - vườn đẹp, đưa cây rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào canh tác.Nếu như trước đây, người dân thường bỏ đất hoặc trồng nhiều loại rau màu khác nhau, thu nhập không cao. Sau khi dồn điền đổi thửa, xã quy hoạch thành cánh đồng mẫu sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ khoai tây đông, hầu hết các mô hình đều cho năng suất cao hơn so với phương thức sản xuất manh mún trước đây.
Qua đánh giá, các cánh đồng mẫu lớn cho năng suất, sản lượng tăng 20-30%. Thành công đó đã khiến nông dân nhiều xã trong huyện thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lạc hậu trước đây sang sản xuất tập trung, tiến bộ hơn. Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã tạo sự gắn kết giữa người nông dân với nhau; vật tư đầu vào được quản lý, bảo đảm chất lượng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, tạo điều kiện để trở thành vùng nông sản hàng hóa. Mối liên kết “4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đầu vào giúp nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí.
Với sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Dũng đã hình thành được hàng chục cánh đồng mẫu để sản xuất lúa, rau màu vụ đông và dược liệu với tổng diện tích khoảng 500 ha tập trung tại các xã Đức Giang, Trí Yên, Tiến Dũng, Xuân Phú, Quỳnh Sơn, Lão Hộ,... Tất cả diện tích này được sản xuất theo phương châm liền vùng, cùng trà, cùng giống để thuận tiện cho canh tác, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch huyện Yên Dũng cho biết: sau khi huyện được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2021, huyện Yên Dũng tiếp tục đặt ra mục tiêu duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.Triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn mới, huyện đã tập trung giải quyết ba vấn đề còn tồn tại, hạn chế giai đoạn trước gồm: giảm khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã được quan tâm kịp thời. Đến nay nhiều tiêu chí xây dựng NTM đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển xây dựng NTM của huyện Yên Dũng hơn 32,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 47 hạng mục công trình. Huyện Yên Dũng quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu then chốt của huyện Yên Dũng trong xây dựng NTM kiểu mẫu là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tiệm cận với đô thị.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI