BẮC NINH

Bắc Ninh sẽ trở thành trung tâm hàng đầu Việt Nam về chế biến, chế tạo

13:21:51 | 15/11/2023

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực trong công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm hàng đầu cả nước trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ công nghệ cao; đến năm 2050, trở thành Trung tâm về đổi mới công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế

Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 1,80%/năm; Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ đà phục hồi; thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh,…Từ đầu năm 2023 đến nay, cấp mới và cấp điều chỉnh cho 384 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.306 triệu USD.

Lũy kế đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 2.040 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24,618 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 70% số dự án. Những tên tuổi lớn có nhà máy ở Bắc Ninh như Samsung, Foxconn, Canon, PepsiCo, Amkor, GoerTek, VSIP,...

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tái cơ cấu lại ngành công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Bắc Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ,...  

Hiện tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh ước đạt 86%; công nghiệp điện tử có tỷ trọng chiếm tới hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao. Tới năm 2050, trở thành Trung tâm về đổi mới công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển của khu vực Đông Nam Á. 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh liện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; công nghệ cao.

Phát triển Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam. Phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế. Mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất và trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam. Ngoài ra, đa dạng hóa các ngành sản xuất khác mà tỉnh có thế mạnh; thực hiện hoạt động sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Gia tăng động lực để phát triển bền vững

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Bắc Ninh có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngoài phát huy những tiềm năng sẵn có, thời gian tới Bắc Ninh sẽ không ngừng gia tăng thêm động lực, tạo lợi thế mới để phát triển bền vững.

Theo đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và triển khai các khu công nghiệp để tiếp tục thu hút đầu tư; tăng cường liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các Khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phúc lợi xã hội dồi dào và ổn định, đảm bảo an sinh cho người dân và công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới, trọng tâm, trọng điểm; hướng tới phát triển các chuỗi dự án, lĩnh vực mũi nhọn. Đẩy mạnh hợp tác với các Bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán các nước tổ chức các sự kiện ngoại giao, các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế,… Bên cạnh đó, chủ động trong hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đưa các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp như: Chủ động về quỹ đất; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển dụng lao động,...

Đặc biệt, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Ngoài các ưu đãi chung theo quy định, tỉnh Bắc Ninh còn có những cơ chế, chính sách riêng: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt hàng năm; xây dựng mô hình bác sĩ doanh nghiệp và thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Hành chính công; Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI Bắc Ninh),…

Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển và chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất tại khu vực miền Bắc, Bắc Ninh đang sẵn sàng cho những mục tiêu lớn, trở thành Trung tâm về đổi mới công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển của khu vực Đông Nam Á vào năm 2050.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)