Không chỉ tối ưu hóa việc xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình điện khí sinh học của Công ty Cổ phần Công nghệ EGreen còn giúp các trang trại tiết kiệm hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí sử dụng điện năng, góp phần xanh hóa ngành chăn nuôi.
Đội ngũ nhân viên trẻ, nhiệt huyết của EGreen
Khai thác tiềm năng khí sinh học
Chăn nuôi được xem là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên ngành này cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Việc tìm kiếm các giải pháp xử lý và khai thác hiệu quả giá trị chất thải chăn nuôi luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học, bảo vệ môi trường và các trang trại cũng như công ty công nghệ.
Đi tìm lời giải cho bài toán này, năm 2013, anh Phạm Đức Thọ đã cùng một số đồng nghiệp, thầy cô từ Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất một gói thầu trong Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ và Bộ NN&PTNT quản lý. Họ đã khảo sát tình hình xử lý khí sinh học ở 1.400 nông hộ và trang trại trên cả nước, đánh giá thị trường sử dụng máy phát điện, hoàn thiện công nghệ xử lý biogas và cải tiến máy phát điện chạy diesel thành máy phát điện sử dụng biogas.
Năm 2018, khi dự án gần kết thúc, những thành viên chủ chốt của nhóm quyết định thành lập Công ty Cổ phần công nghệ EGreen (EGreen) để tiếp tục thu hút vốn và thương mại hóa sản phẩm. Từ 02 mô hình thí điểm ban đầu trong Dự án LCASP, đến nay EGreen đã có tổng cộng hơn 80 mô hình được thương mại hóa, khách hàng của EGreen hiện mở rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong khoảng thời gian 2022 - 2023, EGreen đã có hơn 70 hệ thống máy phát điện biogas có mặt trên toàn quốc, góp phần giảm 250.000 tấn CO2 quy đổi phát thải ra môi trường, sản xuất 27.000 MW điện sạch, đồng thời giúp các trang trại tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền điện, đảm bảo nguồn cung cấp nguồn năng lượng tái tạo và giải quyết bài toán khí biogas thừa. EGreen cũng lắp đặt hơn 7.000 bộ lọc khí sinh học E-PRO cho đun nấu mang lại nhiều lợi ích cho các trang trại và bà con nông dân. Ước tính có khoảng 51.700 người dùng cuối được hưởng lợi.
Các máy phát điện biogas đã tạo ra một sự thay đổi trong cuộc chơi về năng lượng với các chủ trang trại, cho phép người sản xuất chủ động hơn về điện năng tiêu thụ, đồng thời giải quyết bài toán môi trường về dư thừa biogas.
“Không chỉ vậy, nếu tất cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được lắp đặt máy phát điện thì quy mô thị trường điện khí sinh học tại Việt Nam dự tính lên đến 500 triệu USD mỗi năm. EGreen cũng góp phần xử lý hàng trăm tấn chất thải chăn nuôi và giúp cắt giảm hàng chục nghìn tấn phát thải CO2 tương đương mỗi năm. Qua đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn khai thác tối đa tiềm năng khí sinh học”, anh Phạm Đức Thọ, Giám đốc EGreen cho biết.
Hai hệ thống máy phát điện khí sinh học công suất 450 kVA tại huyện Văn Quan, Lạng Sơn
Xanh hóa ngành chăn nuôi
Ngay từ khi mới thành lập, EGreen đã chủ trương phát triển, kinh doanh những sản phẩm và giải pháp xanh, định hình là doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Với sứ mệnh “Giảm phát thải khí nhà kính”, Công ty mang tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và tiến ra thị trường Đông Nam Á về điện khí sinh học.
Công ty đã triển khai dự án điện khí sinh học tại các trang trại có quy mô xử lý chất thải tới hàng nghìn m3, giúp các trang trại tiết kiệm tối thiểu 50% chi phí điện năng và thu hồi vốn trong vòng 02 năm. Theo tính toán, 1kg khí sinh học (Metal-Biogas) tương đương 21kg khí nhà kính (GHG), sản phẩm của EGreen giúp loại bỏ hoàn toàn khí sinh học thải trực tiếp vào môi trường, tương đương với hàng triệu tấn CO2 quy đổi. Điều này góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Bên cạnh sự ưu việt về kỹ thuật, EGreen còn xây dựng mô hình kinh doanh ESCO (đầu tư và cho thuê hệ thống điện khí sinh học), khách hàng không phải quản lý, vận hành mà chỉ trả chi phí theo mức sử dụng điện.
Đặc biệt, ngoài việc tạo điện, hệ thống máy phát điện khí sinh học của EGreen còn góp phần tăng cường các hoạt động sản xuất phân và xử lý nước thải thành phân bón sinh học giàu nitơ, phốt pho và kali, rất thích hợp cho canh tác hữu cơ. Qua đó, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải, khí thải, đồng thời giảm đáng kể chi phí điện vận hành và tạo thêm nguồn thu từ việc bán phân bón hữu cơ.
Theo anh Phạm Đức Thọ, ứng dụng năng lượng tái tạo đang góp phần định hướng ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng carbon thấp. Phát điện bằng khí sinh học đang mở ra một tiềm năng mới, góp phần giải quyết bài toán năng lượng và môi trường.
Bám sát xu hướng này, thời gian tới, ngoài tiếp cận với các chủ hộ trang trại, EGreen cũng sẽ chủ động tham gia vào một số nhiệm vụ khoa học công nghệ của các sở, ngành, địa phương, từ đó đưa mô hình máy phát điện biogas và vận động các chính sách hỗ trợ cho chủ trang trại sử dụng giải pháp này. Về lâu dài, Công ty sẽ tập trung vào một số dòng động cơ nhất định để làm chủ tất cả quy trình và các vấn đề kỹ thuật liên quan, và thiết lập các chuỗi đối tác cơ khí chế tạo tốt hơn.
“Hội tụ nhiều yếu tố mà các công ty cùng ngành khó có được, bao gồm nền tảng nghiên cứu vững chắc, nguồn chuyên gia tận tụy với công việc, sự nhạy cảm về kinh doanh và mạng lưới quan hệ ngày càng mở rộng, EGreen tự tin sẽ chiếm lĩnh được thị phần không nhỏ trong miếng bánh tiềm năng với hơn 23.500 trang trại chăn nuôi, 4.000 cơ sở chế biến tinh bột sắn, 3.800 cơ sở chế biến thủy sản và 6.000 cơ sở chế biến nông sản đang tạo ra biogas hằng ngày”, Giám đốc EGreen Phạm Đức Thọ khẳng định.
Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn giá trị gia tăng của biogas trong chăn nuôi, các trang trại cần quy hoạch đầu tư biogas ngay từ đầu, đưa vào đề án bảo vệ môi trường và tính toán phương án kỹ thuật. Đồng thời quan tâm đến hiệu quả sản xuất biogas khi làm bể biogas đủ lớn, lưu thông tốt, lựa chọn công nghệ phù hợp.
Ngoài ra, Công ty cũng mong muốn Chính phủ có thêm các chính sách khuyến khích làm điện biogas như giá điện FIT, cho vay vốn ưu đãi,… Thông qua đó, không chỉ tạo ra nguồn tài chính dài hạn cho EGreen và các trang trại, mà còn tạo điều kiện cho nhiều người dân được tham gia vào chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng cho một nền nông nghiệp xanh hơn, bền vững hơn.
Thái Dương (Vietnam Business Forum)