KHÁNH HOÀ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

11:38:06 | 2/10/2024

Phát huy quan điểm của Đảng về vai trò “nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế”, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa luôn đề cao câu “dĩ nông vi bản”, nghĩa là lấy nông nghiệp làm gốc, làm cơ sở; hướng đến phát triển nông nghiệp liên kết theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa.

Từ những “con số biết nói”...

Năm 2023, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa chiếm tỷ trọng 11% trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng khu vực đạt 4,35% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 3,61%, thủy sản tăng trưởng 4,98%. Điều đáng chú ý là quy mô nông nghiệp của tỉnh không thuộc diện lớn so với mặt bằng chung của cả nước; diện tích cây trồng, số lượng đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản không quá lớn mạnh nhưng Khánh Hòa có những loại nông sản có tính chất đặc hữu, được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Yến sào, tôm hùm, ốc hương, sầu riêng, tỏi sẻ,… Về vấn đề này, ông  Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Khánh Hòa đang hướng đến tập trung nâng cao giá trị nông sản, không chạy theo sản lượng”.


Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng năm 2024

Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh có diện tích gieo trồng hơn 91.000ha, đa dạng chủng loại cây trồng với những tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Phải kể đến là cây xoài có diện tích là 8.258,7ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 7.189ha. Trên địa bàn huyện Cam Lâm đã hình thành các tổ liên kết sản xuất xoài theo hướng VietGAP tại các xã và một số diện tích đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, nội địa. Cây sầu riêng có diện tích 2.734ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 1.570ha; trên địa bàn các huyện như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sầu riêng và đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các nước theo con đường chính ngạch.

Ngoài ra, cây bưởi có diện tích 1.418ha, chủ yếu sử dụng giống bưởi da xanh, tập trung chủ yếu tại huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh; một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng bưởi tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã được cấp 37 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 4.426ha trên các loại cây trồng như: Xoài, sầu riêng, lúa; mã số vùng trồng nội địa có 23 mã số với tổng diện tích khoảng 82ha trên các loại cây trồng gồm: Xoài, dừa, dứa, bưởi, lúa, rau các loại và tỏi; mã số cơ sở đóng gói có 3 mã số, trong đó có 2 mã số đóng gói xoài và 1 mã số đóng gói sầu riêng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đều ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, đã góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm thức ăn, giảm được sức lao động chân tay, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cũng từng bước tái cơ cấu thủy sản, chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền, phát triển nguồn lực đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác cũng như quản lý nghề cá và cơ cấu lại ngành nuôi trồng thủy sản. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt được kết quả tốt với các sản phẩm đặc trưng như: Rong nho, sầu riêng sấy, xoài sấy, chả cá, yến sào, trầm hương,… Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 201 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; bao gồm 182 sản phẩm đạt 3 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt 5 sao.

Phát triển theo chuỗi công nghệ cao

Để có được những thành quả trên, ông Nguyễn Duy Quang chia sẻ: Tỉnh luôn tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi, công nghệ cao, hữu cơ, đa tầng giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa song song với chú trọng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 65/92 xã (chiếm 70,6%) được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó có 19/92 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 20,6%); không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân chung là 16,8 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2024, có 73/92 xã (tương đương 79,3%) đạt chuẩn NTM, 32/92 xã (tương đương 34,8%) đạt chuẩn NTM nâng cao, có 02/92 xã (tương đương 2,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; số tiêu chí NTM đạt chuẩn bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 17 tiêu chí/xã. Các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh đạt chuẩn huyện NTM, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, chuyển đổi mô hình nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 là một trong những định hướng trọng tâm của tỉnh. Phát huy những lợi thế đang có, Khánh Hòa luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện tỉnh đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nông sản an toàn cho tiêu thụ và xuất khẩu; đặc biệt ưu tiên đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, an toàn cho tiêu thụ và xuất khẩu. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân nông nghiệp đủ năng lực.

Vai trò “trụ đỡ nền kinh tế” của ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang ngày càng được khẳng định. Bằng tư duy sáng tạo, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, chắc chắn Khánh Hòa sẽ còn nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông nghiệp. Và trên con đường xây dựng nền nông nghiệp bền vững ấy không thể thiếu vai trò khoa học công nghệ.

Phương Hiền  (Vietnam Business Forum)