BẮC GIANG

Tăng cường hiện đại hóa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

09:58:57 | 30/12/2024

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại,… là những nhiệm vụ trọng tâm Chi cục Hải quan Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bắc Giang đang nỗ lực triển khai. Từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, Chi cục Hải quan quản lý các KCN Bắc Giang được giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1.700 tỷ đồng. Lũy kế đến hết ngày 03/10/2024, số thu NSNN tại Chi cục đạt 1.743,14 tỷ đồng, bằng 143,9% so với cùng kỳ năm trước (1.211,3 tỷ đồng) và đạt 102,5% so với kế hoạch được giao. Tổng số tờ khai là 459.552 tờ khai; tổng kim ngạch 39.457,24 triệu USD, trong đó, nhập khẩu: 19.972,21 triệu USD; xuất khẩu: 19.485,03 triệu USD.

Có được kết quả này, ông Lương Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh cho biết, cùng với thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hải quan, Chi Cục còn luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; nắm bắt, chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, đơn vị thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch thu ngân sách, kịp thời động viên và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chi cục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Bằng văn bản, trực tiếp tại cơ quan, qua các hội nghị, đối thoại, tập huấn, tham vấn, phát hành tờ rơi, ấn phẩm, điện thoại, thư điện tử, nhóm ứng dụng Zalo,…

Đặc biệt, xác định chuyển đổi số vừa là mục tiêu và vừa là giải pháp xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ; đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ công chức đảm bảo đáp ứng công nghệ thông tin hải quan.

Đến nay, Chi cục đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Các giải pháp hỗ trợ người khai khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử cũng được đẩy mạnh triển khai như: E- Declaration (thủ tục hải quan điện tử); e-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử); e-Payment (nộp thuế, lệ phí qua phương thức điện tử), e- C/O (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử), e-Permit (cấp giấy phép các bộ, ngành). Qua đó, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; thực hiện tốt Tuyên ngôn phục vụ khách hàng theo quy định và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Ông Lương Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý các KCN Bắc Giang cho biết: Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Giang có sự tăng trưởng mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu tăng vượt bậc về kim ngạch. Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, bên cạnh các giải pháp bảo vệ nguồn thu bền vững, phát triển nguồn thu mới theo hướng ổn định, lâu dài, Chi cục cũng sẽ tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát hải quan. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Song song với đó, phổ biến về pháp luật hải quan, hỗ trợ tối đa, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, thành lập các tổ tư vấn, giải đáp kịp thời cho doanh nghiệp; thường xuyên lắng nghe, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp.

“Đặc biệt, Chi cục thường xuyên đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ đi đôi với giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ công chức,…Thông qua đó, củng cố niềm tin, sự hài lòng của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung”, ông Lương Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum