GIA LAI

Công ty Điện Gia Lai: Cơ hội từ cổ phần hoá

14:59:52 | 27/5/2010

Công ty Điện Gia Lai (GEC) là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện năng, mía đường, vật liệu xây dựng… Sau 20 năm xây dựng và phát triển, GEC đã có những bước tiến dài và tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trong nền kinh tế Gia Lai.

Ông Tân Xuân Hiến, Tổng Giám đốc công ty

Công ty đang được tiến hành cổ phần hóa và dự kiến tiến trình cổ phần hóa sẽ kết thúc ngay trong năm 2009. Việc cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ mở sang trang mới, tạo cho GEC cơ hội phát triển trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày một sâu rộng. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Tân Xuân Hiến, Tổng Giám đốc công ty.

Từ một doanh nghiệp nhỏ, sau 20 năm GEC đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện. Quy mô hoạt động của Công ty cũng không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà GEC đã đạt được trong thời gian qua?

Ngày đầu thành lập, điều kiện của GEC hết sức khó khăn, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, sau 20 xây dựng và phát triển, Công ty đã không ngừng lớn mạnh và hiện trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Quy mô và hoạt động của Công ty không ngừng được mở rộng. Hiện Công ty có 5 công ty thành viên trực thuộc, 2 công ty liên doanh và 9 xí nghiệp trực thuộc hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất điện, vật liệu xây dựng, nông nghiệp, mía đường… Công ty đang quản lý và khai thác 10 nhà máy thủy điện với công suất 50 MW.

Phải nói rằng chúng tôi đã có những bước phát triển và tăng trưởng khá ổn định trong thời gian qua. Mức tăng trưởng hàng năm luôn được duy trì từ 20 – 30%. Mặc dù đây là sự tăng trưởng chưa cao nhưng cũng đã tạo nên được sự ổn định và phát triển của Công ty. Và động lực chính giúp GEC phát triển chính là nhờ Công ty đã tận dụng tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cán bộ công nhân viên đoàn kết, nhờ đó mặc dù trải qua nhiều sóng gió khó khăn nhưng đến nay Công ty xây dựng nền tảng vững chắc, đó cũng là cơ sở để Công ty phát triển sau này. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động Công ty cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, đây là nguồn động viên quan trọng cho sự phát triển của Công ty.

Được biết, GEC đang thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, ông kỳ vọng gì về tiến trình này?

Theo quy định hiện nay, vốn vay của doanh nghiệp nhà nước không quá 3 lần vốn điều lệ, trong khi đó vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước thường hạn chế và việc tăng vốn điều lệ cũng không đơn giản. Cổ phần hóa theo tôi sẽ tạo ra cơ chế huy động vốn tích cực hơn, công ty có thể chủ động huy động vốn từ các nguồn khác nhau như vốn vay, vốn huy động từ các tổ chức doanh nghiệp khác, thậm chí có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán..

Kỳ vọng thứ hai là cổ phần hóa sẽ giúp công tác quản trị doanh nghiệp tốt hơn, bộ máy phải năng động hơn, cơ chế điều hành thông thoáng hơn và tạo tư duy đổi mới trong đội ngũ lãnh đạo và người lao động. Vấn đề cổ phần hóa đã được chúng tôi chuẩn bị từ hàng chục năm nay nhằm để người lao động chủ động và thích ứng. Tôi hy vọng rằng cổ phần hóa sẽ tạo đột phá mới cho GEC.

Đâu là những thách thức mà GEC đang gặp phải hiện nay cũng như sau khi cổ phần hóa, thưa ông?

Theo tôi, thách thức của doanh nghiệp tại Gia Lai hiện nay nói chung là các cơ chế chính sách cơ bản không có gì khác so với các doanh nghiệp ở các tỉnh khác, thậm chí so với cả thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, trong khi đó điều kiện hạ tầng giao thông và điều kiện tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp ở Gia Lai gặp khó khăn hơn nhiều.

Đối với GEC, ngoài những khó khăn chung, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của chúng tôi là tiến hành nhanh tiến trình cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, điều quan tâm nhất là vấn đề con người. Chúng tôi đang đặt ra mục tiêu phải nhanh chóng xây dựng được một đội ngũ nhân lực chất lượng để đáp ứng yêu cầu hoạt động cũng như định hướng phát triển của Công ty những năm tới. Tuy nhiên, hiện ở Gia Lai, việc tuyển lao động kỹ thuật cao và lao động có tay nghề là rất khó. Đa phần lao động chúng tôi tuyển được hầu hết là có học lực trung bình, vì vậy việc đào tạo phải tốn rất nhiều thời gian.

Ông có thể cho biết mục tiêu và hướng phát triển của GEC trong những năm tới ?

Trước đây chúng tôi cũng đã rất nhiều lần xây dựng chiến lược phát triển cho Công ty, tuy nhiên do điều kiện về vốn nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Tôi hy vọng rằng sau khi cổ phần hóa xong, chúng tôi sẽ có điều kiện để thực hiện định hướng của mình. Mục tiêu của chúng tôi là sau khi cổ phần hóa, Công ty phải đạt được nhịp tăng trưởng từ 30 – 40% trở lên chứ không thể 20% như hiện nay, cố gắng giữ nhịp độ tăng trưởng theo hướng bền vững, lâu dài. Chúng tôi định hướng tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trên các lĩnh vực như sản xuất điện, mía đường và tiến tới phát triển mạnh sang các lĩnh vực vốn là tiềm năng của tỉnh như cây công nghiệp, cao su, chế biến gỗ đồng thời sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Duy Hạnh