Điện Biên là huyện miền núi biên giới có địa bàn rộng, diện tích tự nhiên gần 164 ngàn ha, có đường biên giới với nước CHDCND Lào 154 km. Huyện Điện Biên là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào 8 dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Khơ Mú, Hoa, Tày, Nùng, Lào, Cống. Trong những năm qua, các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cấp uỷ, chính quyền xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên.
Đến huyện Điện Biên vào những ngày này đều thấy một sự đổi thay rõ nét. Khu trung tâm hành chính huyện đã được đầu tư. Những hạng mục: đường giao thông, trụ sở làm việc của các ban ngành đang từng bước được hoàn thiện, chỉ trong thời gian không xa, nơi đây sẽ mọc lên những khu phố sầm uất. Bức tranh kinh tế của huyện cũng đầy lạc quan. Năm 2010, tổng thu ngân sách địa bàn đạt trên 323,2 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 84 nghìn tấn. Sản xuất công nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, mạng lưới giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng, nâng cấp cải tạo. Huyện chú trọng, quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp chính là tiền đề, cơ sở để có những bước tiến trong công tác xoá đói giảm nghèo.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng kinh tế. Tại 9 xã vùng ngoài, vốn là địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện, giờ đây đường sá đuợc đầu tư, nâng cấp đã góp phần thay đổi bộ mặt các xã vùng cao. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế trên địa bàn như: 135/CP, 160/CP, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế-xã hội vùng cao (252 bản), bố trí sắp xếp lại dân cư vùng biên giới Việt - Lào và vùng điểm bản Tin Tốc (xã Mường Lói), điểm bản Pha Thanh (xã Mường Nhà), trồng cây cao su được xúc tiến triển khai.
Huyện Điện Biên còn là vựa lúa của tỉnh. Với trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp nên một trong những nguồn lực được huyện Điện Biên tập trung ưu tiên là phát triển sản xuất nông nghiệp. Với tổng diện tích gieo trồng gần 25.000 ha, đặc biệt là diện tích gieo cấy lúa 2 vụ/năm tại các xã khu vực lòng chảo như: Thanh Nưa, Thanh Xương, Sam Mứn, Thanh Luông, Thanh Yên, Thanh An... giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Theo ông Lò Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện nay huyện cũng đang tích cực đẩy mạnh dồn điền đổi thửa hướng đến việc hình thành những vùng chuyên canh tạo thuận lợi cho việc cơ giới hoá nông nghiệp và nâng cao giá trị hàng nông sản.
Phát huy những lợi thế về vị trí và cơ sở hạ tầng, những năm qua công nghiệp của huyện Điện Biên cũng có bước phát triển lạc quan. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đạt 244,1 tỷ đồng, trong đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Than, đá, sỏi, gạch tuynel, đá xây dựng…Thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn huyện Điện Biên. Nổi bật là dự án Nhà máy gạch Tuynel của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Điện Biên. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hải Nhiên – Giám đốc Công ty cho biết, dự án được triển khai từ năm 2009, với nguồn vốn đầu tư khoảng 43 tỷ đồng, đạt công suất 23 triệu viên/năm. Được sự tạo điều kiện thuận lợi của các ban ngành địa phương nên dự án được triển khai nhanh và có hiệu quả, mỗi năm đem lại việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động. Sắp tới Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy tại huyện Mường Ảng với công suất 20 triệu viên/năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 34 tỷ đồng.
Những khởi sắc của huyện Điện Biên cho thấy những chính sách đã đi vào đời sống. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội phát triển, tạo sức bật mới trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Bình Châu