NGHỆ AN

Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm xứ Nghệ

13:53:56 | 19/10/2011

Trong kho tàng văn hóa của xứ Nghệ, Ví và Giặm là hai thể hát dân ca độc đáo nhất, có thể nói không lẫn với dân ca của bất cứ vùng miền nào trong cả nước. Có một thời kì chúng ta đã phải lo lắng cho nguy cơ mai một và thất truyền của Ví, Giặm. Song thực tế Ví, Giặm đang rất “khỏe”, sức sống “vươn lên” đang rất mạnh mẽ. Điều đó có nguyên nhân từ ý thức giữ gìn, phát huy trong cộng đồng, sự chú tâm bảo tồn, phát huy của các cấp quản lí văn hóa trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từ nhiều năm nay cùng sức sống tiềm tàng, khả năng thích ứng với đời sống đương đại của chính các thể hát... Đây là những cơ sở để hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đồng thuận lập Hồ sơ đề nghị đưa Ví, Giặm vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, hướng tới trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ năm 1972, sau quyết định thành lập Đoàn Nghệ thuật Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh (đến nay đã phát triển, nâng cấp thành Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ), vấn đề phát triển dân ca được quan tâm trên cả học thuật và thực tiễn. Liên tục từ 1976 đến 2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hai tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc, Viện Sân khấu, Hội Văn nghệ Dân gian... tổ chức thành công 5 cuộc Hội thảo bàn riêng về vấn đề bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ – trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Ví, Giặm; mời nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ có kinh nghiệm trong cả nước tham gia góp ý. Năm 1985, bắt đầu triển khai đưa dân ca vào trường học; Năm 1996, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin mở chuyên mục “Dạy hát dân ca” trên sóng phát thanh truyền hình hàng tháng, liên tục trong ba năm, thời gian tới chuyên mục này sẽ lại được khôi phục trên sóng phát thanh truyền hình Nghệ An; tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca trong trường học” hàng năm; đưa dân ca vào các chương trình hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng,...triển khai xây dựng các câu lạc bộ dân ca trong cộng đồng... Nói chung, Nghệ An đã huy động tổng lực các ban ngành liên quan trong toàn tỉnh để cùng tham gia đưa tiếng hát dân ca đến với mọi thành phần trong xã hội.

Riêng về Ví, Giặm, nếu nói nguy cơ mai một thì đó là sự mai một các hình thức sinh hoạt dân gian, các hình thức diễn xướng của cha ông trước đây. Điều đó là một tất yếu bởi lẽ, xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế thay đổi, cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngày, nhiều làng nghề không còn, đồng nghĩa với những cuộc hát gắn liền với lao động đi vào dĩ vãng. Để bù lại, Ví, Giặm có khả năng thích ứng đặc biệt. Mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức sinh hoạt đều có thể vận dụng và chuyển tải bằng Ví, Giặm: các làn điệu cổ và cải biên được sử dụng trong kịch hát sân khấu, trong chương trình văn nghệ của trường học, cơ quan, địa phương; âm hưởng Ví, Giặm được nhiều nhạc sĩ sử dụng trong các ca khúc, để lại nhiều tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian, thậm chí gần đây, một số bạn trẻ còn chế Giặm xứ Nghệ thành hiphop,... Đây là một trong những điều kiện để đưa dân ca Ví, Giặm vào chương trình du lịch, giới thiệu với du khách “đặc sản” văn hóa của xứ Nghệ, đồng thời có thể tổ chức để trực tiếp giao lưu cùng bạn bè bốn phương bằng chính những điệu Ví, câu Giặm đặc trưng của xứ Nghệ. Rất tiếc, cho đến nay, trong các tour du lịch tại Nghệ An vẫn chưa có chương trình giao lưu giới thiệu Ví, Giặm xứ Nghệ. Có lẽ chúng ta chỉ mới chú ý khai thác dân ca ở khía cạnh giá trị tinh thần. Âu đây cũng là một điểm cần xem xét, bổ sung trong tương lai, để bạn bè năm châu đến với Nghệ An, Hà Tĩnh có cơ hội hiểu hơn về văn hóa xứ Nghệ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế du lịch của hai tỉnh.

Trong công cuộc hội nhập, phát triển, xứ Nghệ cũng như nhiều vùng đất khác đều phải chấp nhận những thuận lợi và thử thách song điều quan trọng, cốt lõi là định hướng rõ mục tiêu: “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Dân ca Ví, Giặm cũng là một thành tố của văn hóa xứ Nghệ nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, có yếu tố truyền thống và có sự tiếp biến, thích ứng để tồn tại. Nếu chúng ta biết phát triển phù hợp với xu thế của thời đại, chắc chắn sự nghiệp bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị của dân ca sẽ thành công.

PV