Huyện Quỳ Hợp được coi là thủ phủ của đá. Từ thị trấn huyện mà đi ra, chỗ nào cũng thấy đá, đến ngay trước cổng UBND huyện là ba khối đá nguyên sơ.
Mươi năm trước, bên hồ Thung Mây – tức là thị trấn huyện Quỳ Hợp vẫn còn heo hút. Nghe bên Quỳ Châu đào được đá đỏ, dân thập phương kéo về, dân huyện cũng “cơm đùm cơm nắm” sang đó kiếm vận may. Có đồi tỷ, đồi triệu (tức là vùng đồi 32 ở chỗ giáp ranh giữa Quỳ Châu với Quỳ Hợp) nhưng người ra đi không về cũng chẳng ít. Anh Phan Công Sen, Trưởng phòng Công Thương huyện kể: “Thời kỳ 1990 - 1991, rộ lên việc đào đá đỏ, vợ chồng, con cái kéo nhau lên núi, nhiều anh đào đá đỏ được tiền bán đổi đời nhưng cũng nhiều anh ngơ ngẩn. Lúc ấy chẳng ai nghĩ đá như bây giờ”.
Giàu từ đá
Đất Quỳ Hợp có đá đỏ, có thiếc, có sắt, thế nên quặng tặc hoành hành không ít. Ông Cao Thanh Long, hiện là Chủ tịch UBND huyện đã có mười năm làm Phó chủ tịch huyện thì mười năm ông đi dẹp quặng tặc. Kể lại chuyện trước đây, ông bảo: “Có khi như con kiến trèo trên núi để làm nhiệm vụ, mình dỡ lều bạt, thu máy móc của những người đào trộm quặng, sau lại phải nhờ người dân đưa về. Vất vả không kể xiết”.
Núi đá Quỳ Hợp có hàng trăm triệu mét khối đá, mà trứ danh nhất là đá trắng. Xem trên bản đồ thì thấy doanh nghiệp huyện đang khai thác 150 điểm mỏ, theo anh Phan Công Sen, trữ lượng mỗi mỏ có khoảng 1300 tới 2000 m3. Với trữ lượng đá dồi dào trên, nhiều doanh nghiệp đã về đây mang theo máy móc công nghệ hiện đại, đào tạo nhân công và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Cụ thể, huyện Quỳ Hợp hiện có 133 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá, mỗi doanh nghiệp cũng có từ 60 tới 100 nhân công, có trường hợp như Công ty đá Phủ Quỳ có tới 400 công nhân vừa bám công trường vừa làm ở xưởng. Lương người làm đá thường khoảng ba tới bốn triệu đồng/ tháng; có người làm đá thủ công mỹ nghệ, hay làm khoán trên dây chuyền hiện đại thì mức lương tháng tới bẩy, tám triệu đồng.
Đá Quỳ Hợp đi khắp nơi trong và ngoài nước, những khách hàng quen thuộc đến từ Mianma, Ấn Độ, vùng Trung Đông, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan....Một số doanh nghiệp khai thác và chế biến đá ở Quỳ Hợp còn nhập đá nguyên liệu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, Ý, Croattia, Tây Ban Nha về chế biến lại và bán ở thị trường trong nước.
Có thể thấy sự thành công của Quỳ Hợp trong việc đưa nhà máy, đưa doanh nghiệp về nông thôn. Sự hoạt động sôi nổi của các doanh nghiệp về đã kéo theo sự thay đổi toàn diện của huyện, thay đổi cả phương thức lao động, cơ cấu kinh tế. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện thu ngân sách đã đạt 100 tỷ đồng (tỉnh giao chỉ tiêu 70 tỷ đồng), nghĩa là chẳng kém huyện nào so với miền xuôi.
Lo từ đá
Ông Cao Thanh Long, Chủ tịch huyện tâm sự: “Đá làm giàu nhưng phải có cái gì để cho mai sau chứ!”. Hơn thế nữa, việc khai thác và chế biến đá, khoáng sản trên địa bàn huyện cũng gây ra những hệ lụy. Ngoài trục đường chính như 48, 532... do Trung ương và tỉnh đầu tư, thì các con đường của huyện đều xuống cấp. Dẫn chúng tôi đi thực địa, anh Kim Thành Xuyên – Phó phòng Công Thương huyện cho biết: “Đường huyện chỉ có cấp 5, cấp 6, xe 70 tới 80 tấn chạy thì ba bữa là nát hết cả”. Đó là chưa kể nước thải từ khai thác và chế biến đá, thiếc; đất mà bị ngấm nước này thì không cây gì mọc nổi.
Địa hình Quỳ Hợp có hai vùng, cao và vùng thấp. Vùng cao là lãnh thổ của đá, của thiếc; vùng thấp có bẩy xã thuận lợi cho việc trồng cao su, cây ăn quả. Riêng giống cam từ Quỳ Hợp đã nổi danh xa gần với thương hiệu Cam Vinh. Nói đâu xa, tết đến một cân cam cũng bán từ 30 đến 50 ngàn đồng mà huyện có tới 1000 ha trồng cam, rồi 1500 ha trồng cao su nữa. Vậy thì đâu chỉ là giàu từ đá? Do vậy, cùng với khai thác khoáng sản, hiện huyện cũng quan tâm phát triển nông nghiệp và nỗ lực cho mục tiêu xây dựng thành công nông thôn mới.
Quỳ Hợp đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư. Vùng khai thác và chế biến đã được quy hoạch tập trung để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình. Ba khu công nghiệp nhỏ: Thung Quộc (thị trấn), Châu Quang, Châu Hồng đã được đưa vào sử dụng; KCN Sông Dinh rộng tới 300 ha cũng đang được tỉnh và huyện phối hợp triển khai xây dựng. Tất cả nhằm thực hiện chủ trương vừa bảo vệ tài nguyên vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện, khuyến khích khai thác và chế biến sâu khoáng sản.
Theo Chủ tịch huyện Cao Thanh Long, sắp tới Quỳ Hợp còn triển khai các dự án như khách sạn chín tầng do Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư. Khu du lịch sinh thái Khe Nâm Tôn (do Công ty TNHH Thiên Long làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 200 tỷ đồng); chợ thương mại và chợ nông sản cũng đang được quy hoạch với số vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Phan Quang – Bích Hường
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI