Phong trào xây dựng mô hình kinh tế tập thể (KTTT) ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua khá phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhằm thúc đẩy KTTT ở tỉnh phát triển mạnh và đúng hướng, UBND tỉnh đã thông qua Đề án phát triển KTTT tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Khởi sắc
Sau khi Luật Hợp tác xã chính thức có hiệu lực, trong năm 1997, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế HTX các cấp tỉnh, huyện, xã để chỉ đạo công tác phổ biến tinh thần Luật Hợp tác xã mới và thực hiện các bước phân loại, chuyển đổi các HTX cũ và đăng ký các HTX mới. Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn được giao tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt về những yêu cầu, mục đích và các bước tiến hành để chuyển đổi các HTX cũ cũng như tiến hành đăng ký các HTX mới theo Luật.
Năm 2005, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Đề án phát triển KTTT giai đoạn 2006 - 2010. Với Đề án này, nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã có những bước chuyển mình, hộ nông dân được coi là đơn vị tế bào của nền nông nghiệp. Đến nay toàn tỉnh hiện có 206 HTX, Liên hiệp HTX, hoạt động trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, điện, xây dựng, vận tải, thương mại, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân...; vốn điều lệ trên 111,8 tỷ đồng; vốn hoạt động trên 516,3 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có 158 HTX, trong đó chủ yếu là loại hình HTX làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp và một số loại hình HTX chuyên ngành như: HTX thủy sản, HTX trái cây, HTX hoa kiểng, HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn với trên 19.000 xã viên, vốn hoạt động trên 127,8 tỷ đồng, phục vụ 13% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh. Cùng với loại hình HTX, tỉnh còn có 1.478 tổ hợp tác các loại với gần 45.500 tổ viên, hoạt động trên 28 loại hình khác nhau và canh tác trên 105 ha tổng diện tích gieo trồng trong toàn tỉnh. Hoạt động của các HTX đa dạng, có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển đem lại giá trị sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở các địa phương.
Có được kết quả này là do các tổ hợp tác, HTX chủ động liên kết trong sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ chính nhu cầu cần liên kết, tạo sức mạnh để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Các HTX không ngừng tăng cường hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, thông qua các hoạt động đầu vào - đầu ra cho sản xuất. Trong nông nghiệp, thông qua các hoạt động dịch vụ của HTX, nhất là dịch vụ tưới tiêu đã phục vụ tốt hộ xã viên, hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng hàng hóa nông sản. Nhiều mô hình mới, ngành nghề mới xuất hiện như: mô hình hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ thành HTX có quy mô lớn như HTX nông nghiệp Tân Bình (Thanh Bình), mô hình HTX thương mại dịch vụ chợ Tràm Chim (Tam Nông), HTX nuôi tôm càng xanh Phú Long…Đặc biệt các tổ hợp tác, HTX luôn chủ động liên kết để tiết kiệm chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, dễ tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Đồng Tháp tích cực định hướng, hỗ trợ để các tổ hợp tác, HTX phát huy nội lực.
Chủ động liên kết
Sau 15 năm thực hiện quá trình đổi mới và xây dựng theo tinh thần Luật Hợp tác xã, KTTT tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả đáng kể. Song, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu và còn bộc lộ nhiều mặt tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết. Đa số các HTX có quy mô hoạt động nhỏ, hoạt động dịch vụ đơn điệu. Chưa có đuợc mối liên kết, hợp tác giữa các HTX với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đầu tư vật tư và tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX chưa thực sự có đủ trình độ, năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của HTX trong điều kiện mới, số lượng cán bộ chủ yếu của HTX chưa có trình độ chuyên môn, do đó việc quản lý và điều hành hoạt động của HTX còn yếu kém. Các HTX có cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, kinh doanh có lãi thấp. Vốn quỹ của các HTX hiện nay rất ít ỏi, nhất là nguồn vốn lưu động, việc huy động các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các HTX gặp nhiều khó khăn, nhất là việc vay vốn ngân hàng, tín dụng do chưa có tài sản thế chấp.
Ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Tháp cho rằng: “Ðể KTTT phát triển bền vững, ngành chức năng cần nâng cao năng lực cán bộ, đội ngũ kế cận cho các HTX vì trình độ cán bộ quyết định sự thành bại của HTX. Muốn tồn tại được trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, các HTX cần phát huy năng lực nội tại của mình, chủ động liên kết, hợp tác với nhau. Bên cạnh đó, khi hình thành các tổ hợp tác, HTX kiểu mới cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của sự phát triển chứ không chạy theo phong trào, hình thức.”
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh và các ngành trong thời gian tới cần thống nhất trong cách nghĩ, cách làm, đổi mới phương pháp làm việc và có đánh giá chính xác những vướng mắc, tồn đọng. Đặc biệt chú ý đến khó khăn của các HTX nông nghiệp, HTX ngành nghề và các quỹ tín dụng, qua đó từng bước củng cố hoạt động hướng đến xây dựng nền sản xuất quy mô lớn trong thời gian tới. Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã thông qua đề án phát triển KTTT tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, theo đó, giao Sở kế hoạch đầu tư phối hợp với Liên minh HTX tỉnh chủ trì triển khai.
Hồng Hạnh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI