Cây mì là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Phát triển cây mì không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, cung cấp nguồn nguyên liệu thiết yếu cho phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học.
Với đặc thù là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và phù hợp với kinh tế nông hộ, bốn năm gần đây cây mì đã phát triển nhanh và mạnh, trong đó đã hình thành các vùng nguyên liệu mì ở các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành... Đến nay diện tích cây mì trên địa tỉnh đã có sự gia tăng đáng kể, lên đến hơn 50.000 ha. Với giá cả thuận lợi hiện nay, ước tính diện tích cây mì sẽ còn tăng thêm trong những năm tới.
Nhờ sản xuất có hiệu quả, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có khối lượng hàng hóa lớn với giá trị kinh tế cao, phát triển cây mì góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống, tăng thu nhập để xóa đói giảm nghèo. Theo các chuyên gia trồng mì thì trước tiên do điều kiện thổ nhưỡng Tây Ninh có nhiều vùng rất phù hợp với sự phát triển cây khoai mì. Kế đến là từ khi công nghiệp chế biến khoai mì phát triển thì khoai mì tươi tiêu thụ ổn định và giá cả cũng thường ở mức khá cao so với trước. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là cây mì nhiều năm qua thực chất đúng là cây xoá đói giảm nghèo bởi so với nhiều loại cây trồng khác, cây khoai mì có mức đầu tư rất thấp mà thu nhập lại không hề thua kém. Mỗi ha chỉ cần có năng suất 25 tấn thì có lãi ròng không dưới 20 triệu đồng, lúc giá khoai mì tươi lên cao thì lãi còn cao hơn. Nếu năng suất cây mì tăng cao thì với giá thu mua hiện nay của các nhà máy chế biến tinh bột, nông dân có lời ngang bằng với việc trồng cây cao su, trong khi công chăm sóc và đầu tư phân bón thì ít hơn nhiều. Nắm bắt được xu thế giá mì tăng cao, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không ngừng tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, thay thế diện tích trồng các cây công nghiệp ngắn ngày khác để chuyển sang trồng mì, đồng thời khai hoang đất rẫy nhằm mở rộng diện tích. Hiện nay, nông dân đã tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, biết bồi dưỡng, bón phân cho đất khi trồng mì chứ không “phó mặc cho trời” như trước đây nữa, vì thế giúp cho năng suất cây mì luôn đạt mức cao.
Tuy nhiên phát triển cây mì như thế nào để đạt năng suất, hiệu quả cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết để phát triển cây mì bền vững thì yếu tố giống phải được đặt lên hàng đầu. Trung tâm Khuyến nông đã khuyến khích bà con nông dân ở Tây Ninh đầu tư cho các giống cây mì như: KM-94, KM 101, KM 140 tai trắng, KM98-5 tai đỏ với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Nhưng để phát triển vùng nguyên liệu cây mì một cách bền vững thì cần có các giống mì mới có năng suất từ 60- 80 tấn/ha.
Về vấn đề này, Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh đã thông qua việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật canh tác cây mì từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, với các giống mì mới như SM 937-26, KM228, Raybon-60, Raybon80…Đồng thời đơn vị này cũng đã đầu tư quỹ đất trên 550 ha tại huyện Tân Châu để sản xuất, xây dựng cánh đồng 5 ha để thử nghiệm và nhân giống mới các loại cây mì cho năng suất cao từ giữa năm 2011. Đây là bước đi tích cực nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu có năng suất cao ở địa phương.
Gần đây, một số nhà đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore…đã đến Tây Ninh khảo sát thực trạng chế biến khoai mì và đã có nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư thực hiện dự án CDM ở một số cơ sở chế biến khoai mì có công suất lớn, vì thế diện tích trồng mì tại Tây Ninh tiếp tục gia tăng.
Diện tích trồng mì ngày càng mở rộng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh nhưng cũng ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đất đai, đặc biệt là độ phì của đất bị giảm sút do không tuân thủ quy hoạch và đầu tư đúng quy trình kỹ thuật. Do vậy, tỉnh cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc phát triển vùng nguyên liệu, qua đó hạn chế tình trạng phát triển cây mì không theo quy hoạch như hiện nay. Đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho người trông mì trong vùng quy hoạch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững, thâm canh để có giá trị kinh tế cao.
Thanh Thảo
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội