HỒ CHÍ MINH

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường

11:42:38 | 17/7/2012

Trong những năm qua, để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và CNH – HĐH, TP.HCM luôn chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xem đây là ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ quá trình phát triển. Hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là một trong 6 chương trình đột phá đã được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX thông qua nhằm đưa TP.HCM lên một tầm cao mới, xứng đáng là đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về vai trò, tầm quan trọng của NNLCLC trong phát triển kinh tế TP, ông Nguyễn Văn Xê – PGiám đốc Sở Lao động, Thương & Xã hội TP.HCM cho biết phát triển NNLCLC chính là giải pháp then chốt, đột phá tạo cho kinh tế TP những bước phát triển nhảy vọt và HĐH nhanh chóng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển sang kinh tế tri thức. Phát triển NNLCLC tạo cơ hội cho TP thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy mở nhanh các ngành công nghiệp hiện đại và các dịch vụ cao cấp mà TP.HCM có lợi thế so sánh, chuyển mạnh từ gia công, chế biến thô là chủ yếu sang sản xuất hiện đại với chất lượng và hiệu quả cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng và chiếm phần lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội mới để TP.HCM tự tin khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, TP hiện có trên 4,9 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,21% dân số. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn chiếm tới 30% so với cả nước. Số lao động đã qua đào tạo ngày càng gia tăng. Thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010 do Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IIX đề ra, đến nay nguồn nhân lực TP đã có bước phát triển đáng kể. Đội ngũ cán bộ công chức, khối hành chính sự nghiệp các cấp, các ngành đã có hơn 138.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và gần 2.500 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng lên đáng kể với hơn 5.350 người (tăng 1,3 lần so với năm 2005). Cùng với sự đa dạng trong hình thức đào tạo, những năm gần đây, nhiều nghề mới thuộc lĩnh vực công nghệ mới, có trình độ cao cũng được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường dạy nghề. Đặc biệt TP đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu trong việc đào tạo NNLCLC với các chương trình đào tạo như: 300 tiến sĩ, thạc sĩ quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh; đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ ngành giáo dục đào tạo; thạc sĩ ngành công nghệ sinh học. Các chương trình này đã cung cấp cho TP một lực lượng cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu nhân lực cao trong quản lý hành chính, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên theo đánh giá chung, NLCLC của TP vẫn thiếu hụt trầm trọng trong hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh số lượng thì chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, giai đoạn 2011-2015, TP sẽ tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân; Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.

Mục tiêu của TP.HCM là xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và CNH – HĐH, trong đó tập trung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội TP.

Thanh Tâm