Đứng trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình đã phối hợp cùng với các cấp, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh thực hiện nhiều kế hoạch nhằm duy trì ổn định và thực hiện tốt mục tiêu đề ra trên cả ba lĩnh vực: lao động, người có công và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Năm 2012 các vấn đề về chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện khá tốt. Các công trình ghi công liệt sĩ được tu sửa thường xuyên. Đến tháng 7/2013, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 2.716/2.702 nhà, trong đó xây mới 1.889 nhà, tu sửa nâng cấp 827 nhà. Hoạt động chăm sóc bảo vệ trẻ em ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ngành, công tác phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ với các chương trình phát triển kinh tế xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,8%, hộ cận nghèo là 3,68%.
Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm đã được Sở quan tâm, chỉ đạo sát sao. Năm 2012, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 32.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó xuất khẩu đi nước ngoài là 2.100 người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trên 3%. Tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 33.200 người, trong đó trình độ cao đẳng nghề là 1.800 người, trung cấp nghề là 4.600 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 26.800 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 34%. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 14.810 người, tổ chức tuyển sinh dạy nghề ở các cấp trình độ cho 11.050 người.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Tăng Quốc Sử - chánh văn phòng Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay lao động trên địa bàn tỉnh Thái Bình tay nghề còn thấp, chủ yếu là lao động thủ công, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, thu nhập của người lao động thấp, điều kiện lao động còn nặng nhọc Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho đào tạo nghề còn thiếu thốn. Bởi vậy, trong thời gian tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Để làm được điều này, sở thực hiện nhiều biện pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác đào tạo dạy nghề như vai trò vị trí của đào tạo nghề, lợi ích của công tác dạy nghề đối với các doanh nghiệp và người lao động, trách nhiệm của các cấp các ngành đối với công tác đào tạo nghề.
Thứ hai, phát triển các cơ sở đào tạo nghề, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, thay đổi chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, giáo viên dạy nghề. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Đồng thời cũng huy động nguồn lực để tăng cường đầu tư cho các cơ sở dạy nghề, ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và đầu tư phát triển các nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Thứ ba, đổi mới quản lý Nhà nước về công tác đào tạo nghề, hoàn thiện bộ máy quản lý các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành với các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dạy nghề.
Thứ tư, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước thành công trong phát triển đào tạo, dạy nghề. Tranh thủ các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các trường có uy tín trên thế giới thành lập trường quốc tế tại Thái Bình.