ĐỒNG THÁP

Giải bài toán về vốn trong công tác bảo trì công trình giao thông

10:20:23 | 26/8/2014

Tăng trưởng kinh tế Đồng Tháp những năm qua phụ thuộc phần lớn vào ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thủy sản. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển KT – XH của tỉnh, phát triển giao thông vận tải (GTVT) được xác định là “khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và ngành GTVT được giao trọng trách “đi trước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế”.

Theo đó việc đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua rất được chú trọng. Với hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 356,6km đường và 172 chiếc cầu; đã hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả hệ thống cầu đường  ĐT.841, ĐT.843,  ĐT.845, ĐT.848, ĐT.851, ĐT.852, ĐT.853 và nhiều tuyến đường tỉnh khác như ĐT.842, ĐT.844, ĐT.850, ĐT.854…


Ngoài ra TW đã quan tâm đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn Đồng Tháp với tổng chiều dài trên 190km như nâng cấp hoàn thành QL 80, nâng cấp QL 54 giai đoạn 1; dự án đầu tư nâng cấp QL 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự; đầu tư QL N2 thuộc hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh, xuyên Đồng Tháp Mười trong đó có cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống; đầu tư cho nước bạn Campuchia dự án đường 312 với chiều dài tuyến đường hơn 28,3km.

Thực hiện “Đề án phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020” và chương trình “Nông thôn mới”, thời gian qua hệ thống đường giao thông nông thôn được triển khai rộng khắp các huyện thị trong tỉnh với tổng chiều dài đường huyện là 807,5km, đường xã là 1.169,1km; tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được dễ dàng.

Cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 4.037,6km, trong đó 2.440,8km có khả năng khai thác vận tải; các tuyến chính hình thành các trục dọc và ngang liên kết toàn bộ mạng lưới với nhau tạo điều kiện tốt cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cùng với hệ thống cảng biển, cảng sông, bến thủy nội địa trên sông Tiền, sông Hậu và các sông, kênh là trục chính trong tỉnh, giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực GTVT, góp phần phát triển KT – XH tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh việc hoàn thiện mạng lưới GTVT thiết yếu thì công tác đẩy mạnh đầu tư giao thông, bảo trì, nâng cấp các tuyến đường được Đồng Tháp đặc biệt chú trọng. Hiện một số tuyến đường tỉnh đưa vào khai thác đã khá lâu, nền đường hàng năm bị lũ lụt gây sạt lở, phá hoại gây hư hỏng nặng nề; mặt đường láng nhựa chiếm khối lượng lớn, yêu cầu công tác bảo dưỡng bảo trì đối với loại mặt đường này phải triển khai kịp thời; thêm vào đó hệ thống cầu trên các tuyến đường tỉnh còn tồn tại loại cầu thép mặt gỗ, tải trọng thấp cần phải bảo trì thường xuyên. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông, chính vì vậy dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm trên cơ sở nguồn vốn phân bổ và kết quả kiểm tra thực tế hiện trường, Sở GTVT Đồng Tháp vẫn triển khai lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ; tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá định kỳ. Nhờ vậy các tuyến đường tỉnh luôn đảm bảo an toàn, thông suốt quanh năm, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên theo nhìn nhận của Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp – ông Nguyễn Văn Cống, do nguồn vốn phân bổ còn hạn chế nên công tác duy tu, bảo dưỡng mới triển khai được đối với hệ thống 15 tuyến đường tỉnh; còn hệ thống đường huyện, xã, đường giao thông nông thôn thời gian qua vẫn chưa được địa phương quan tâm thực hiện. 

Trong thời gian tới, Sở GTVT Đồng Tháp tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác bảo trì dựa trên cơ sở thực hiện Thông tư số 10/2010/TT – BGTVT về Quy định quản lý và bảo trì đường bộ; Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 306 – 03 về “Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ”; đánh giá thực tế hệ thống cầu đường tỉnh để triển khai lập kế hoạch bảo trì ngắn và trung hạn. Mặt khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác này, Sở GTVT Đồng Tháp kiến nghị tỉnh phân bổ nguồn vốn hợp lý nhằm thực hiện đúng theo quy trình, nội dung quy định về bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

Ông Cống cho biết về lâu dài, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai xây dựng “Quỹ bảo trì đường bộ”. Đây được coi là lời giải cho bài toàn thiếu nguồn vốn trong công tác bảo trì công trình giao thông hiện nay. Thông qua “Quỹ bảo trì đường bộ”, đề xuất phân bổ nguồn vốn hợp lý đối với công tác bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy, đường đô thị và hệ thống giao thông nông thôn.

Lê Thơm