BẠC LIÊU

Phát huy vai trò của người dân trong phát triển du lịch bền vững

15:31:57 | 3/5/2019

Bạc Liêu có sự giao thoa ba dòng văn hóa của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tạo cho vùng đất này diện mạo văn hóa riêng, đặc sắc, là lợi thế lớn trong phát triển du lịch.

Điểm đến ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bạc Liêu đón tiếp được khoảng 984.000 lượt khách, tăng 9.82% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 305.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, doanh thu khối nhà hàng khách sạn đạt khoảng 292 tỷ đồng, có khoảng 22.500 khách quốc tế. Hiện toàn tỉnh có 182 cơ sở lưu trú, với 3 khách sạn, tổng số gần 3000 phòng… Chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú ngày càng được cải thiện. Địa phương cũng đã duy trì và phát huy tốt 9 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Hằng năm tỉnh còn tham gia từ 4-5 hội chợ thương mại du lịch tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh trong chương trình liên kết du lịch của Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh phía Tây ĐBSCL. Thường xuyên đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, sự kiện thể thao cấp khu vực quốc gia và quốc tế điển hình như Festival nghệ thuật đờn ca tài tử; các giải bóng chuyền, quần vợt, bi sắt, đua ghe ngo quốc gia…

“Song song với đó, tỉnh cũng đã tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của vùng với các loại hình như du lịch miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch hợp với hội thảo, hội nghị… Đặc biệt là tạo liên kết du lịch trong các vùng giữa các địa phương nhưng vẫn giữ được nét riêng bằng những sản phẩm đặc sắc. Nhờ vậy Bạc Liêu luôn là điểm đến ấn tượng trong mắt du khách thập phương, đặc biệt là thị trường khách du lịch các tỉnh miền Trung và phía Bắc” – Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết.

Yếu tố nguồn nhân lực luôn là giá trị cốt lõi để ngành khẳng định vị thế, do vậy việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức là hướng đi trọng tâm. Song song đó tỉnh chú trọng đầu tư nâng cấp các tuyến thu hút khách du lịch, quy hoạch nơi buôn bán, gửi xe, gắn phát triển du lịch ven biển với các sản phẩm du lịch dự kiến sẽ hình thành trong thời gian tới như du lịch Điện gió, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đôn đốc hoàn thiện tuyến đường từ TP.Bạc Liêu ra Nhà Mát – Hiệp Thành, Thiền Viện Trúc Lâm…

Lợi thế từ các giá trị văn hóa

Bạc Liêu có nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc thu hút khách du lịch vào mỗi năm như Lễ hội Quán âm Nam Hải, Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Lễ hội Nghinh ông, Lễ hội Đồng Nọc Nạng… Được biết trong năm 2019 này tỉnh sẽ đăng cai tổ chức 3 giải thể thao tầm quốc gia là giải quần vợt ngành du lịch Việt Nam, giải bi sắt vô địch quốc gia, vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Tỉnh sẽ tập trung tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch kết hợp với kỷ niệm 100 ra đời bản Dạ cổ hoài lang, kỷ niệm 100 năm Khu nhà Công tử Bạc Liêu và tổ chức Lễ hội các miền di sản văn hóa phi vật thể dự kiến trong tháng 12. Thông qua tổ chức các lễ hội mang đặc trưng riêng của vùng miền, ngành cũng coi trọng các dự án về bảo tàng, thư viện, chiếu phim và phát hành phim, hoạt động phát hành sách, đặc biệt là tu sửa, bảo tồn những điểm đến mà không làm mất đi những giá trị vốn có.

Để tạo bước phát triển đột phá, việc hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, tận dụng thế mạnh của một vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế, giàu bản sắc văn hóa là tất yếu. “Đặc biệt chúng tôi trân trọng và phát huy vai trò lao động sáng tạo của mỗi người dân, tạo động lực phát triển bền vững, đặc biệt trong các chương trình, mục tiêu phát triển về văn hóa, thể dục thể thao, gia đình… Sự đồng thuận của người dân là chìa khóa vạn năng để du lịch Bạc Liêu vươn tầm cao mới trên con đường hội nhập”-bà Vân nhấn mạnh.

Ngọc Thảo

Sự kiện sắp tới

Triển lãm Quốc tế Thể thao và Sức khỏe Đài Bắc 2025

26 - 29/3/2025

Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc