Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của lãnh đạo các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh và sự cộng tác có hiệu quả của các tổ chức, DN, công cuộc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, văn bản ban hành qua mạng đã được ký số; đồng thời đã liên thông với hệ thống văn bản của Chính phủ và Bộ, ngành TW và liên thông từ tỉnh đến xã. Đã thực hiện công khai xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; tiếp tục vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ công, từng bước xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh. An ninh an toàn thông tin được đảm bảo.
Các hệ thống quản lý chuyên ngành cấp tỉnh đã được ứng dụng như: Quản lý cán bộ, công chức - viên chức tại Sở Nội vụ; Quản lý DN và dự án đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; Quản lý đất, cấp quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường; hệ thống quản lý kết cầu hạ tầng giao thông; đăng ký, quản lý hộ tịch trực tuyến tại UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện; các phần mềm quản lý công tác tài chính được triển khai liên thông đến cấp huyện, cấp xã, thực hiện khai báo và nộp thuế điện tử. Các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai.. đang được tích cực xây dựng.
Hệ thống Quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT được ứng dụng tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh, cấp huyện và 100% các trạm y tế cấp xã; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã liên thông dữ liệu với BHXH và Cổng dữ liệu Bộ Y tế. Hầu hết các trường THPT và 80% trường THCS đã sử dụng các phần mềm quản lý trường học. Trung tâm dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi đã được xây dựng và vận hành. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cùng với các loại hình truyền dẫn khác do DN cung cấp đáp ứng yêu cầu và nhu cầu sử dụng cho triển khai Chính phủ điện tử ở Quảng Ngãi.
Theo ghi nhận của Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông Quảng Ngãi - ông Nguyễn Thanh Sơn, tất cả những kết quả nêu trên mặc dù mới chỉ là thành quả ban đầu trong công cuộc xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh song lại là tiền đề rất quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện CQĐT có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng; giúp cá nhân và tổ chức giao tiếp với cơ quan chính quyền thông qua môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi, dịch vụ hành chính được cung cấp nhanh hơn, thông tin được chủ động và đầy đủ hơn. Đó là lý do lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo để CQĐT được phát triển có hiệu quả tại Quảng Ngãi thời gian tới.
Theo Kế hoạch, trong những năm tới Quảng Ngãi tập trung xây dựng phần mềm phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trên địa bàn với nhau, kết nối với hệ thống thông tin Chính phủ và Bộ, ngành TW; hoàn thiện thêm một bước đối với các ứng dụng nội bộ trong cơ quan nhà nước như: quản lý, tác nghiệp văn bản; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm tác nghiệp chuyên ngành; phối hợp triển khai các CSDL quốc gia trọng điểm, cải tiến và đổi mới phương thức họp, hội nghị... Đây là nền tảng để thực hiện nhiều hơn, đầy đủ hơn việc cung cấp các dịch vụ hành chính chính cho tổ chức và công dân qua Internet, trong đó phát triển Cổng thông tin điện tử trở thành điểm giao tiếp chính. Phát triển ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, trong tổ chức và công dân nhằm thúc đẩy tương tác nhanh và hiệu quả, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin. "Để thực hiện khối lượng nhiệm vụ này, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh. Xây dựng cơ chế, giải pháp để huy động các nguồn lực, khuyến khích thu hút nhân lực tham gia xây dựng, phát triển CQĐT. Thường xuyên đào tạo CB - CC - VC về Chính phủ điện tử; đồng thời triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự thay đổi thói quen, sự đồng thuận của người dân, DN về phát triển CQĐT" - ông Sơn cho hay.
Công Luận
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI