LẠNG SƠN

Kinh tế cửa khẩu tăng trưởng ở mức cao

10:38:17 | 30/9/2019

Kinh tế cửa khẩu được xác định là vùng kinh tế động lực có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định vị trí của Lạng Sơn đối với  Vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và cả nước.

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 55/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tạo động lực cho tăng cường hoạt động thương mại, góp phần phát triển kinh tế theo phương châm “đa dạng hóa” hợp tác kinh tế, thương mại giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).

Từ đó đến nay, kinh tế cửa khẩu liên tục tăng trưởng ở mức cao, nguồn thu thuế xuất nhập khẩu chiếm khoảng 80% tổng số thu ngân sách của tỉnh. Ngành thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao: Năm 2017 chiếm tỷ trọng 49,73%  trong GRDP với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5.250 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2016; năm 2018 chiếm 49,78% GRDP với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,855 tỷ USD, giảm 7,5% so 2018. Những năm gần đây, bình quân có 2.700 doanh nghiệp trong cả nước thường xuyên xuất khẩu qua địa bàn tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động.

Để phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh hoạt động về xúc tiến thương mại với các đối tác Trung Quốc; đơn giản hoá và hài hòa thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, kiểm dịch nhằm tạo điều kiện cho việc di chuyển hàng hóa, người, phương tiện qua lại; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch.

Cùng với việc chủ động chỉ đạo phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong cửa khẩu và trên các tuyến quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; tỉnh cũng kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn và kịp thời đưa ra các giải pháp, hướng dẫn và khuyến cáo nhằm tránh rủi ro, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp; kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành để có cơ chế quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp hơn với thực tiễn.

Tuy vậy, thương mại biên giới Lạng Sơn thời gian qua vẫn thiếu tính ổn định, phụ thuộc nhiều vào chính sách, thị trường nước bạn. Hơn thế, những năm gần đây, chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng thắt chặt kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ. Một số mặt hàng như gạo, lợn hơi... các doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được qua cửa khẩu phụ. Từ quý II/2018, Trung Quốc còn thắt chặt quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, nhất là hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam, điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu mặt hàng này.

Đặc biệt, từ năm 2020 Trung Quốc sẽ thực hiện các cơ chế chính sách mới, xuất khẩu tiểu ngạch mất đi và sẽ tiến hành các bước bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bộ chứng từ như xuất qua các nước phương Tây. Trung Quốc sẽ thành lập các tổ chức giống như FDA của Hoa Kỳ (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đến tận các nhà máy chế biến điều của Việt Nam để kiểm tra cấp mã số trước khi xuất khẩu qua Trung Quốc. Phía bạn cũng đã thông báo mặt bằng xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Trung Quốc sẽ giống nhau, không còn chính sách ưu đãi khác biệt giữa các cửa khẩu.

Để vượt qua thách thức to lớn này, các doanh nghiệp phải có nhiều thay đổi từ quá trình sản xuất đến kinh doanh; các sản phẩm, nhất là nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng cần có nhiều đổi mới về quy trình sản xuất. Hoạt động thương mại biên giới với cách thức, nề nếp cũ sẽ bị xáo trộn.

Đây cũng “cơ hội vàng” đối với phát triển kinh tế cửa khẩu và tỉnh Lạng Sơn bởi các cửa khẩu của tỉnh có khoảng cách gần nhất tính từ Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng. Tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư để đón bắt cơ hội thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư và trong tương lai gần xứ Lạng sẽ là địa bàn kinh tế sôi động của cả nước.