LẠNG SƠN

Mở đường vươn tới tương lai

10:48:23 | 30/9/2019

Để làm bật dậy tiềm năng nông, lâm nghiệp và du lịch; khai thông lợi thế kinh tế biên mậu, tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn lực kết nối các cửa khẩu, cụm công nghiệp, đô thị, vùng nông thôn… với hệ thống quốc lộ cùng mạng lưới giao thông của tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Lạng Sơn đã chia sẻ với Tạp chí Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế và đáp ứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư?

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đến nay đạt được một số kết quả đáng kể.

Để phát huy lợi thế có nhiều cửa khẩu và hoạt động biên mậu sôi động, tỉnh đã quan tâm đầu tư các tuyến đường phục vụ xuất nhập khẩu, đường ra biên giới, như: Đường phục vụ xuất nhập khẩu, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); Dự án Đoạn Lũng Vài - Bản Pẻn, ĐT.229 (Lũng Vài - Bình Độ - Tân Minh); đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên đấu nối với đường TTBG, đường Na Sầm - Na Hình, huyện Văn Lãng; đường Hữu Nghị - Bảo Lâm... Hiện tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng) nhằm tăng cường năng lực giao thông trên địa bàn…. Cho đến nay, hệ thống quốc lộ đã được nhựa hóa 100%, phát huy hiệu quả đầu tư và phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, Lạng Sơn đã thực hiện sửa chữa nhiều tuyến đường nội thị các huyện và TP Lạng Sơn, hoàn thành và đưa vào sử dụng Cầu Kỳ Cùng, cầu thị trấn Lộc Bình đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn; đồng thời đưa vào sử dụng Bến xe phía Bắc; Bến xe Phía Nam TP Lạng Sơn; Bến xe Hữu Lũng, Tân Thanh, Đồng Đăng, Bắc Sơn tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.

Hoạt động vận tải cũng có nhiều khởi sắc: Có 12 đơn vị tham gia tuyến cố định với 275 xe, 20 đơn vị vận tải khách bằng taxi với 632 xe, 15 đơn vị và 5 hộ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với 120 xe, duy trì hoạt động 02 tuyến xe buýt (tuyến Mai Pha - Na Sầm và tuyến bến xe phía Bắc - Na Dương) cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhất là đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được triển khai trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, hiện đang nhận được sự quan tâm vào cuộc sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh các sở, ngành, địa phương và ngành GTVT Lạng Sơn. Một vài chia sẻ xung quanh vấn đề này?

Có thể khẳng định Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến giao thông huyết mạch, trọng yếu, kết nối tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị.

Việc hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến của khẩu Hữu Nghị mới đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Kết nối các khu kinh tế cửa khẩu, Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất, cảng Cạn, trung tâm logitics ... tạo động lực phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. 

Hiện Dự án được điều chỉnh bổ sung thêm 19 km đường cao tốc từ đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không làm tăng tổng mức đầu tư, tăng hiệu quả cho dự án kết nối tới được các cửa khẩu trọng điểm (Tân Thanh, Cốc Nam) có ý đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá, đồng thời làm nền tảng cho việc kết nối tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn Bắc Giang - Chi Lăng đã cơ bản hoàn thành, đầu tháng 10/2019 thông xe kỹ thuật và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác đầu năm 2020. Riêng đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn và Nhà đầu tư đã ký kết Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng để thực hiện và đang từng bước triển khai giải phóng mặt bằng (đã hoàn thành bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100%; đã bàn giao cho nhà đầu tư tổ chức thi công được 8,5/43,6km (đạt 20%). Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng chưa triển khai thi công được nên đang thu hút được sự quan tâm vào cuộc sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh các Sở ngành, địa phương và ngành GTVT Lạng Sơn. Việc chậm triển khai thi công đoạn này đồng nghĩa việc chưa thông tuyến cao tốc đến Hữu Nghị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, có tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh Lạng Sơn và khu vực miền núi phía Đông Bắc.

Thời gian tới, Sở GTVT tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu để Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn sớm ký kết hợp đồng vay vốn tín dụng và triển khai dự án. 

Nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019, ông có chia sẻ hoặc nhấn mạnh điều gì với doanh nghiệp, nhà đầu tư?

UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt danh mục dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 - 2020 và 2020 - 2025 với các dự án thuộc các lĩnh vực đầu tư khác nhau. Riêng đối với ngành GTVT đề nghị các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư một số dự án đường giao thông trên địa bàn tỉnh như: dự án Cảng cạn Lạng Sơn, đường Yên Trạch - Quảng Lạc, cầu Thác Trà và đường trục phía Tây TP Lạng Sơn, trục nối đường Hùng Vương với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Sở GTVT Lạng Sơn sẵn sàng đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thực hiện đầu tư các dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng cảm ông!