THÁI BÌNH

Phát triển hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư

14:06:10 | 22/6/2020

Không chỉ hội tụ những “sếu đầu đàn” như: Vincom, Geleximco, Thaco, Lộc Trời… trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiệt điện, hạ tầng,… Thái Bình đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước với hàng loạt các đồ án, dự án được nghiên cứu, triển khai tại Khu Kinh tế Thái Bình. Có được sự khởi sắc hôm nay là nhờ trong nhiều năm qua, tỉnh luôn đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến đầu tư đồng thời tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối từ Thái Bình với các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận, tạo sự thông suốt giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và giao thông nông thôn; gắn kết các khu, cụm công nghiệp với các cảng biển, đô thị…

Ông Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thái Bình cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự chủ động, tích cực của ngành GTVT, Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Nhờ vậy, mạng lưới giao thông trên địa bàn không ngừng phát triển đồng bộ, theo hướng hiện đại. Cùng với việc tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến huyết mạch như: QL10, QL39, QL37, QL37B;… tỉnh cũng đã, đang mở mới các tuyến đường Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 1), tuyến đường quốc lộ ven biển nhằm kết nối khu kinh tế biển của tỉnh với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; xây dựng nhiều cầu lớn Thái Hà, Sông Hóa, Trà Lý 2; mở rộng và tăng quy mô cảng biển Diêm Điền, Hải Hà, Trà Lý… Cho đến nay, hệ thống GTVT trên địa bàn đã tạo nên mạng lưới liên tục, thông suốt, nhanh chóng kết nối các địa bàn trong, ngoài tỉnh giúp việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi.

Đặc biệt, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, khẩn trương tổ chức thi công, phối hợp bố trí nguồn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh. Đây là trục xương sống của Khu kinh tế Thái Bình đi qua các tuyến Quốc lộ 39, 37, 37B, kết nối Khu kinh tế với Quốc lộ 10, đường Thái Bình - Hà Nam, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. Ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm: Thái Bình nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cách Hà Nội 110 km, sân bay Cát Bi 30 km, cảng biển nước sâu Lạch Huyện (cảng container lớn nhất Việt Nam) 50 km. Do vậy, việc kết nối giao thông theo trong hành lang này sẽ góp phần quan trọng để Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành có tính đột phá của tỉnh và hứa hẹn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát vào các quy hoạch; thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp trong Đề án hiện đại hóa GTVT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Tỉnh cũng tập trung đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường Thái Bình - Hà Nam, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường quốc lộ ven biển, tuyến đường từ Thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn, đường tỉnh 221A, đường tỉnh ĐT 454 (223). Cùng với đó là chú trọng mở rộng, tăng quy mô cảng biển Diêm Điền, cảng biển tổng hợp Hải Hà; xây dựng đồng bộ cảng Tân Đệ, cảng Trà Lý, cảng Hiệp, cụm cảng phục vụ Trung tâm nhiệt điện Thái Bình..., nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh dài 45 km, quy mô tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, được thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng (ngân sách trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng, vốn BOT 1.289 tỷ đồng). Dự án khởi công ngày 14/2/2019 và dự kiến hoàn thành năm 2021.

Nguồn: Vietnam Business Forum