Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực và thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC); chú trọng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản đặc thù, có thế mạnh… Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Quảng Bình đa dạng, có giá trị cao và tăng trưởng bền vững. Đây là chia sẻ của ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh nhà thời gian tới. Ngọc Tùng thực hiện.
Thời gian qua, Quảng Bình đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp (DN), hợp tác xã phát triển nông nghiệp công nghệ cao có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời làm hạt nhân thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ông có thể điểm lại một vài thành tựu nổi bật?
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, thời gian qua ngành NN& PTNT Quảng Bình đã tích cực kêu gọi, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch và NNƯDCNC. Ngành đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển NNƯDCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020…
Với sự nỗ lực của các ngành, các địa phương, hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều kết quả đáng mừng. Ngày càng có nhiều DN trong và ngoài nước đến với Quảng Bình và thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp, trong đó điển hình như: Dự án Nông trại sản xuất thực phẩm sạch của Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng, Dự án trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, Dự án chăn nuôi lợn nái ngoại chất lượng cao Công ty TNHH Chăn nuôi Buntaphan, Dự án sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm của Tập đoàn CP Thái Lan…
Đến nay, đa số các dự án đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, góp phần đáng kể vào sự phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh.
Ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 59/2019/NQ-HĐND quy định chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo ông, các nghị quyết này tạo sức bật như thế nào cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà?
Trong những năm qua việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên nguồn lực đầu tư vẫn chưa tương xứng. Với việc ban hành 2 Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND và số 59/2019/NQ-HĐND, tỉnh Quảng Bình đang quyết tâm cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, thông qua sự khuyến khích và hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.
Điểm cơ bản của 2 nghị quyết nêu trên chính là quy định rõ cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ và các thành phần kinh tế tham gia phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, ngoài các chính sách khác vẫn được hưởng theo quy định tại các Nghị định.
Chúng tôi tin tưởng rằng với những hỗ trợ từ 2 nghị quyết này sẽ là điều kiện quan trọng, là động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế, đặc biệt là các DN triển khai các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sớm đưa ngành nông nghiệp Quảng Bình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Dưới góc độ của người đứng đầu ngành, ông có đánh giá gì về môi trường đầu tư của Quảng Bình những năm gần đây? Để tăng sức hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, Sở có những đề xuất gì?
Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành, các địa phương, những năm gần đây môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Bình đã được cải thiện đáng kể; năng lực cạnh tranh được nâng cao, thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa; thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư.
Từ hoạt động thực tiễn của việc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp trong thời gian qua của Sở, để phát huy những kết quả đã đạt được trong thu hút đầu tư, tỉnh cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh; các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để mời gọi, khuyến khích các nhà đầu tư.
Thứ hai, phải lựa chọn, loại bỏ các dự án sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên (nhất là tài nguyên đất), hiệu quả thấp và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để nâng cao chất lượng đầu tư.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Các cán bộ, công chức, viên chức cần xem công việc của nhà đầu tư như là công việc của mình, cùng chung tay, góp sức thực hiện nhanh các dự án.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN với người dân; cần tăng cường tính liên kết giữa các khâu từ sản xuất, đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo tính bền vững, ổn định cùng hợp tác phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI