Thời gian qua, Sở Xây dựng đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp - ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Ông có thể cho biết việc đẩy mạnh CCHC của Sở Xây dựng Quảng Bình những năm gần đây đã đem lại hiệu quả như thế nào?
Ngành Xây dựng đã tập trung đẩy mạnh CCHC theo hướng đơn giản, minh bạch, qua đó đem lại hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý điều hành và phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn.
Cụ thể, Ngành đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo đẩy mạnh CCHC và thường xuyên quán triệt, đôn đốc các phòng, đơn vị đổi mới lề lối làm việc; tổ chức rà soát kịp thời phát hiện, sửa đổi các văn bản, TTHC không còn phù hợp. Từ năm 2016 đến nay, Sở đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật; ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 26 bộ TTHC ở 3 cấp tỉnh-huyện-xã; hiện đã đưa 41/41 TTHC qua tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Sở còn sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp theo năng lực và chức năng nhiệm vụ công việc; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc hiện đại hóa hành chính luôn được quan tâm. Hệ thống máy tính của Sở được nối mạng LAN, mạng internet, giao dịch bằng thư điện tử. Hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; website của Sở hoạt động ổn định, cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động của ngành, đồng thời hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 được vận hành hiệu quả.
Đặc biệt, việc cải cách TTHC được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các hồ sơ TTHC đều rút ngắn ít nhất 10% thời gian quy định, có nhiều hồ sơ rút ngắn 30% thời hạn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Sở đã cắt giảm 19 ngày đối với 3 thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng. Sở cũng đã triển khai nhận, trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí và tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.
Vấn đề quy hoạch, công khai quy hoạch để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh được triển khai ra sao, thưa ông?
Trong thời gian qua, Sở đã phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập các quy hoạch xây dựng như: Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị...
Cụ thể, đã triển khai quy hoạch xây dựng Vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Quy hoạch vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Đối với quy hoạch chung đô thị, khu chức năng đặc thù, đã triển khai các Quy hoạch chung 12 đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó có 5 đô thị loại V (Đồng Lê, Quy Đạt, Thị trấn nông trường Việt Trung, Thị trấn Quán Hàu, Thị trấn nông trường Lệ Ninh); 3 đô thị loại IV (Ba Đồn, Hoàn Lão, Kiến Giang); 3 đô thị mới (Dinh Mười, Trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, Phong Nha) và 1 đô thị loại II (thành phố Đồng Hới). Sở cũng đã triển khai các quy hoạch chung khu chức năng đặc thù gồm: Quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đến năm 2030;...
Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được lập tại thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và các đô thị mới (đạt 30% diện tích quy hoạch chung); đồng thời đẩy mạnh quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng đô thị; dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại, công nghiệp (tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt 70%). Riêng đối với việc quy hoạch nông thôn, đã hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng xã đạt tỷ lệ 100%.
Cùng với việc triển khai lập, trình phê duyệt các quy hoạch, Sở đều đăng tải công khai và cập nhật liên tục các quy hoạch trên trang thông tin điện tử. Tùy theo tính chất, quy mô từng đồ án, Sở còn lựa chọn một số hình thức công khai quy hoạch như: Tổ chức hội nghị công bố quy hoạch xây dựng có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan liên quan và nhân dân trong vùng quy hoạch; trưng bày công khai các pa-nô, bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng, tại Sở Xây dựng, UBND xã hoặc ngay tại khu vực có quy hoạch; phát hành bản đồ quy hoạch xây dựng đến các cơ quan, địa phương liên quan...
Ngoài ra, Sở luôn sẵn sàng cung cấp thông tin bằng văn bản giấy, văn bản điện tử theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiện Sở Xây dựng cũng đang đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu không gian (SDI) để lưu trữ, công khai và phục vụ công tác lập và quản lý quy hoạch trên cơ sở ứng dụng công nghệ GIS.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ngành Xây dựng Quảng Bình đã có những chương trình hành động ra sao?
Sở đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách thuộc chức năng quản lý như: Quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng…. Trên cơ sở đó, rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản lĩnh vực xây dựng địa phương như: Các quy định phân công phân cấp trong lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; cấp phép xây dựng; phân công, phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý hạ tầng kỹ thuật; hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật,... để phục vụ tốt cho hoạt động đầu tư xây dựng.
Sở cũng đẩy mạnh cải cách TTHC, công khai, minh bạch, tạo thông thoáng trong các lĩnh vực quản lý; áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực từ thiết kế, thẩm định, kiểm định đến quản lý nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý về quy hoạch, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nỗ lực trên “mặt trận” quy hoạch Viện Quy hoạch xây dựng Quảng Bình được thành lập năm 2011, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng trong những năm gần đây, Viện đã luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Viện đã ký kết 55 hợp đồng với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, Viện đã thực hiện khảo sát 8 công trình phục vụ lập quy hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật và đang hoàn thiện hồ sơ khảo sát các tuyến đường giao thông nội thôn Minh Xuân, Tân Xuân, Cảng Dầu, Cầu Lợi... đồng thời đẩy mạnh triển khai việc lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch xây dựng và đã được phê duyệt 10 nhiệm vụ quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết khu dân cư dọc đường trục chính các xã vùng Nam; quy hoạch chung xây dựng xã Quảng Tiên, Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Tân;… Công tác lập dự án đầu tư xây dựng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cũng được tập trung thực hiện; trong 6 tháng đầu năm 2020 đã hoàn thành phê duyệt 12 công trình như: Dự án FLC Quảng Bình (giai đoạn 2); Cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc Thị ủy Ba Đồn;… Ngoài ra, với đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đáp ứng kịp thời các nhu cầu công việc, Viện đang thực hiện quản lý dự án, giám sát kỹ thuật xây dựng 23 công trình như: Giám sát thi công Kho bạc Nhà nước tỉnh; giám sát thi công Khu dân cư phía Tây Bắc đường Lê Lợi; giám sát thi công việc sửa chữa, cải tạo Trụ sở Báo Quảng Bình;… "Với sự chủ động, sáng tạo, Viện đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành xây dựng và nền kinh tế - xã hội của tỉnh nhà". |
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI