Nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã, đang tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư đưa kinh tế - xã hội TP phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum. Song Uyên thực hiện.
Ông đánh giá sao về sự phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn TP những năm gần đây?
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống đường bộ kết nối Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh; từ trung tâm TP đến sân bay Cần Thơ, các cụm cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị và trung tâm 85/85 xã, thị trấn, phường ngày càng thuận lợi. Đường thủy nội địa có 06 tuyến quốc gia và mạng lưới sông, kênh rạch trải đều, có 10 cảng thủy nội địa, 781 bến thủy nội địa và 91 bến khách ngang sông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách tốt hơn. Đến nay, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có 14 đường bay đang khai thác gồm 10 đường bay nội địa và 04 đường bay quốc tế. Đường biển có cảng biển Cần Thơ là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại 1 thuộc cảng biển nhóm 6. Dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu đã thông luồng kỹ thuật vào năm 2017 góp phần nâng cao năng lực vận tải biển, tạo điều kiện đưa Cần Thơ thành điểm tập kết, xuất nhập hàng hoá cho khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng GT vẫn còn một số điểm nghẽn, làm giảm hiệu quả kết nối vùng và gia tăng chi phí vận tải. Các tuyến cao tốc qua địa bàn chưa được xây dựng; các đường trục chính quan trọng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các tuyến đường thủy nội địa chỉ khai thác theo địa hình sông rạch tự nhiên, đường đi quanh co dẫn đến cự ly hành trình dài; cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp quy mô cấp tỉnh. Cụm cảng biển Cần Thơ chưa phát huy tác dụng do hệ thống kho bãi, hậu cần chưa đầu tư đồng bộ, các trục đường kết nối cảng chưa đáp ứng yêu cầu; luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu bị bồi lắng, sạt lở hai bên bờ, một số đoạn không đạt độ sâu như công bố 6,5m.
Trong những năm tới, Cần Thơ sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng GTVT ra sao?
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Sở GGTVT sẽ tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục ưu tiên đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, trọng tâm là triển khai xây dựng các dự án đường cao tốc qua địa bàn (Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Cần Thơ-Cà Mau); đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; xúc tiến mở thêm các đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, xây dựng Cảng Cái Cui đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch và hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) để thu hút hành khách, hàng hóa các tỉnh trong vùng ĐBSCL đến sân bay Quốc tế Cần Thơ, cảng biển Cần Thơ từ đó đi các khu vực trong cả nước và quốc tế.
Những năm qua, Sở GTVT đã luôn quan tâm đẩy mạnh CCHC và đạt được những kết quả đáng kể. Từ năm 2017 đến nay, Sở đã triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4 đối với các TTHC, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại của người dân. |
TP cũng tập trung xây dựng các dự án trọng điểm thuộc danh mục đầu tư công ngành GTVT giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu phát triển và kết nối liên khu vực; đầu tư hệ thống phương tiện hiện đại và các bến bãi, nhà chờ để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối toàn TP và liên kết các tỉnh lân cận, phát triển hệ thống giao thông thông minh, áp dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nguồn lực nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI