Ngọc Lặc hôm nay đã khoác trên mình chiếc áo mới với những đổi thay trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.
Kinh tế tăng trưởng ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất tính đến năm 2020 đạt 8.720 tỷ đồng, gấp 1,95 lần năm 2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 39,1 triệu đồng, vượt mục tiêu Đại hội (35 triệu đồng), gấp 1,8 lần năm 2015. Trong tổng số 29 chỉ tiêu chủ yếu, có 20 chỉ tiêu vượt mục tiêu Đại hội, 04 chỉ tiêu đạt và 05 chỉ tiêu chưa đạt. Thành công của Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Lặc lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 là dấu mốc, điểm nhấn quan trọng trong tiến trình đi lên của huyện. Trong 5 chương trình trọng tâm, chương trình phát triển Đô thị Ngọc Lăc, là những điểm nhấn quan trọng để đưa Ngọc Lặc phát triển có chiều sâu. Đặc biệt trong năm 2017, Thị trấn Ngọc Lặc và khu vực dự kiến mở rộng được công nhận đô thị loại IV; năm 2019 địa giới hành chính Thị trấn Ngọc Lặc được mở rộng từ 173 ha lên 3.514 ha, với dân số hơn 22 nghìn người. Chỉ đạo tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, các công trình công cộng theo hướng đồng bộ, đặt tên các tuyến đường, lắp biển số nhà và biển tên các tuyến đường thuộc thị trấn Ngọc Lặc.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 14,3%, vượt mục tiêu Đại hội (14,0%). Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 35,4% năm 2015 xuống còn 25,2% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,1% lên 32,2%; các ngành dịch vụ tăng từ 41,4% lên 42,6%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển cả về quy mô, loại hình và chất lượng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 17,3%. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư và phát triển theo hướng đa dạng các kênh phân phối; một số trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ được đầu tư và đi vào hoạt động. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường, thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư và phát triển; giai đoạn 2016 - 2020 (tính đến hết tháng 06/2020) có 56 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.000 tỷ đồng. Một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy may Việt Pan Pacific, Nhà máy may Cẩm Hoàng, Nhà máy phân bón hữu cơ Phúc Thịnh, Siêu thị Ngọc Lặc, Trạm trộn bê tông thương phẩm...Thu hút một số dự án chăn nuôi quy mô lớn như: Cụm trang trại liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao tại xã Minh Tiến và xã Lam Sơn...góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Nổi bật là trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện đã tuyên truyền nhân dân đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 1.983 tỷ đồng, gấp 1,33 lần năm 2015. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm ước đạt 60,5 nghìn tấn, vượt mục tiêu Đại hội (55,5 nghìn tấn). Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.679 tỷ đồng, gấp 1,26 lần năm 2015; đã chuyển đổi 215,8 ha đất trồng lúa, 217 ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tích tụ, tập trung được 108,2 ha để triển khai các dự án sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu phát huy hiệu quả như: Mô hình dưa kim hoàng hậu trong nhà màng tại xã Lam Sơn, Minh Sơn, Kiên Thọ với quy mô 2 ha; mô hình rau an toàn tại Thúy Sơn, Ngọc Sơn 04 ha; mô hình trồng vải không hạt, Bơ Israel, Thanh Long của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm bước đầu phát triển tốt... Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đưa các cây ăn quả mới vào trồng trên đất vườn, mang lại hiệu quả kinh tế như: Na Thái, Mít thái, ổi Đài Loan...Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét, chuyển mạnh từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn bằng hình thức trang trại, gia trại, an toàn dịch bệnh; đến nay, toàn huyện hiện có 196 gia trại, 53 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn hoạt động hiệu quả.
Không chỉ thể hiện qua những con số, người dân đều cảm nhận rõ những thay đổi ở Ngọc Lặc những năm qua. Trong đó ấn tượng nhất là diện mạo giao thông nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục thể thao và y tế cũng đạt được những kết quả đáng mừng, đáp ứng ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. . Chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có chuyển biến tích cực; tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của huyện. Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong dịp đầu xuân và các ngày lễ lớn, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích, các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả khá.Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực văn hóa - xã hội phải kể đến công tác giáo dục và đào tạo đã giành được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt cao. Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 được duy trì vững chắc. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2020 ước đạt 60,8% (45/74 trường) vượt mục tiêu Đại hội 10,8%; tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 85,8%, tăng 3,4% so với năm 2015. Công tác xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Nhân dân đồng tình hưởng ứng; các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh ngày được nâng cao. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Lặc được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; trình độ đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân trong huyện và khu vực. Mạng lưới ý tế cơ sở có 19/21 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, vượt mục tiêu Đại hội 7 xã. Công tác y tế dự phòng được quan tâm, không để xảy ra các dịch bệnh lớn; các dịch bệnh nguy hiểm được phòng chống và ngăn chặn kịp thời. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Có Đảng vững chèo lái, nhân dân đồng tâm, hiệp lực, cần cù sáng tạo, sẽ là những tín hiệu vui để Ngọc Lặc vững tin phấn đấu xây dựng Đô thị loại IV sớm trở thành Thị xã Miền Tây của tỉnh Thanh Hóa. Tin tưởng rằng, với thế và lực mới, Đảng bộ và nhân dân huyệnNgọc Lặc sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, không ngừng xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh. Chặng đường mới, thử thách còn nhiều nhưng huyện Ngọc Lặc có điểm tựa vững chắc nhất là niềm tin, sự kỳ vọng, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Sức mạnh lòng dân, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và khát vọng vươn mình của vùng đất giàu tiềm năng sẽ là động lực để Ngọc Lặc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy thành quả đạt được, nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực lực đạt được mục tiêu đề ra.
Đức Bình (Vietnam Business Forum)