Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngành Công Thương Thái Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong trạng thái “bình thường mới”. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này.
Ông có thể đánh giá khái quát về kết quả đạt được trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh Thái Bình thời gian qua?
Bước vào năm 2021, nền kinh tế phải đối mặt nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã từng bước phục hồi và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 55.451 tỷ đồng, đạt 69,3% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tích cực triển khai thực hiện với 5 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 600 triệu USD, trong đó 3 dự án có quy mô lớn với tổng vốn đăng ký khoảng 395 triệu USD (cao hơn tổng vốn FDI đã thu hút của cả giai đoạn 2016-2020). Hoạt động thương mại và dịch vụ từng bước phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 36.559 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh, đặc biệt lĩnh vực dệt may, sắt thép. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 1.578 triệu USD, đạt 99% kế hoạch năm, tăng 45% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.354 triệu USD, đạt 99% kế hoạch, tăng 46,2% so với cùng kỳ.
Để hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành Công Thương triển khai giải pháp gì nhằm đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh như: Kế hoạch 01/KHLN-SCT-SYT ngày 2/7/2021 về việc tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khi có trường hợp F0 tại doanh nghiệp; Kế hoạch mẫu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị; hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản;…
Đồng thời, ngành cung cấp thông tin về thị trường, các đối tác tiềm năng tới doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến; ứng dụng công nghệ tiên tiến, thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường; thường xuyên tổng hợp khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đâu là những lĩnh vực ngành Công Thương tập trung ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới và các giải pháp nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho ngành, thưa ông?
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình tập trung phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ nhất là trong Khu kinh tế Thái Bình theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các ngành công nghiệp chủ lực như: lĩnh vực dệt may - da giày tập trung thu hút các dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành; lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm kêu gọi, thu hút các dự án chế biến sâu sản phẩm gạo và thủy, hải sản, thực phẩm; lĩnh vực cơ khí, luyện kim ưu tiên thu hút các dự án cơ khí công nghệ cao, đặc biệt sản xuất các sản phẩm cơ điện tử, công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành cơ khí; lĩnh vực công nghiệp thiết bị, điện tử ưu tiên thu hút các dự án sản xuất sản phẩm điện tử công nghiệp, điện gia dụng, điện tử viễn thông…; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ưu tiên thu hút các dự án sản xuất sứ dân dụng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh cao cấp…; lĩnh vực công nghiệp hóa chất ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ lắp ráp sản phẩm cuối cùng trong công nghiệp ô tô, điện tử, điện lạnh…; lĩnh vực công nghiệp năng lượng đẩy mạnh tiến độ xây dựng các dự án điện gió, điện khí.
Lĩnh vực thương mại tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics trong Khu kinh tế Thái Bình; các dự án siêu thị, trung tâm thương mại tại các thị trấn, huyện, thành phố Thái Bình; phát triển thương mại điện tử…
Đồng thời, để phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho ngành, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng “Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”. Theo đó xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển ngành và đưa ra các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới để phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; chủ động phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn một cách thực chất giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, linh hoạt, thích nghi hiệu quả với trạng thái “bình thường mới”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI