BẠC LIÊU

Huyện Hồng Dân: Thích ứng an toàn với dịch bệnh, nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh

07:43:53 | 16/3/2022

Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hồng Dân gặp không ít khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện vẫn đạt được những thành tựu khởi sắc.

“Cái khó ló cái khôn”

Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - ông Nguyễn Văn Thới cho biết: Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của huyện (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7.479 tỷ đồng. Trong đó, ngành nông lâm, nghiệp và thuỷ sản là 5.222 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ là 1.397 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng là 860 tỷ đồng. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 9,1%.


Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Bạc Liêu, Hồng Dân là một huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Huyện có diện tích gieo trồng 43.254ha, được quy hoạch làm hai vùng sản xuất rõ rệt: vùng nước ngọt canh tác lúa chất lượng cao và vùng chuyển đổi canh tác lúa - tôm.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn tới quá trình tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ cuối tháng 7/2021 đã ảnh hưởng đến việc giao thương hàng hóa cả về đầu vào và đầu ra phục vụ cho ngành nông nghiệp nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng.


Lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra mô hình lúa - tôm ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân

Do đó, vào giai đoạn thu hoạch tôm càng, với quyết tâm của Đảng bộ huyện, huyện đã mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các huyện bạn kết hợp với Tổ công tác đặc biệt 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành liên kết thu mua tôm càng, tôm sú cho người dân với sản lượng hơn 7.000 tấn với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ của tôm. Mặt khác, sản phẩm tôm của huyện cũng được các doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh, siêu thị Coopmart, siêu thị Vincom đặt hàng thông qua hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần tiêu thụ ổn định trong thời gian qua cũng như những năm tiếp theo.

Thích ứng an toàn với dịch bệnh

Hiện nay, Chính phủ đã chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng, mở cửa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Do đó, để chuyển trạng thái, ông Nguyễn Văn Thới cho biết, huyện Hồng Dân đã đề ra một số giải pháp cơ bản như sau:

Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; đẩy nhanh khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine đảm bảo đúng quy định, an toàn. Tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường tuyên truyền quán triệt quan điểm đảm bảo mục tiêu kép nhưng phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện của địa phương, đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở, không gây ách tắc lưu thông, sản xuất.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát huy tính chủ động sáng tạo của các xã, thị trấn, tổ Covid cộng đồng. Nâng cao năng lực y tế, nhất là các trạm y tế xã, thị trấn để người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất từ cơ sở.

Phục hồi sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Văn Thới, năm 2021 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, nhiều doanh nghiệp doanh thu sụt giảm đáng kể, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi Chính phủ có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh thì tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, có nhiều khởi sắc, từng bước phục hồi.

Hồng Dân là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huyện Hồng Dân đã xây dựng kế hoạch đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Theo đó, dự kiến mỗi quý huyện sẽ tổ chức ít nhất một cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.

UBND huyện Hồng Dân cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện kịp thời các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế, ưu đãi thuế của Nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện, (năm 2021, số thuế miễn giảm do thực hiện các chính sách miễn giảm trên 5 tỷ đồng). Chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các hồ sơ về đất đai phải được giải quyết nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân đến giao dịch.

Nguồn: Vietnam Business Forum