NGHỆ AN

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón nhà đầu tư

13:40:29 | 18/4/2022

 Để tiếp tục phát huy vai trò của Khu kinh tế Đông Nam đối với sự phát triển, địa phương, tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 25/11/2021)nhằm từ đó chuẩn bị tốt nhất để đón nhà đầu tư. Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An trao đổi với Vietnam Busines Forum về vấn đề này.

Ông có thể cho biết mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KKT Đông Nam Nghệ An trong thời gian tới?

Ban Quản lý KKT Đông Nam đặt quyết tâm xây dựng và phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An thực sự trở thành thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững- là động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, mục tiêu phát triển, thu hút đầu tư vào KCN, KKT Đông Nam là đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản, chế biến, chế tạo, điện tử và công nghiệp hỗ trợ gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, cảng Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trọng tâm và hết sức quan trọng nêu trên, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 với các nhiệm vụ cụ thể như:

Ban sẽ tích cực tham mưu, triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển KKT Đông Nam Nghệ An thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” ; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam và các KCN giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2022 hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040; tham mưu phương án quy hoạch phát triển KKT, các KCN tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng: Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam lên 80.000ha (gồm 70.000ha  đất liền và 10.000ha mặt nước biển) trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành KKT Nghệ An; Quy hoạch phát triển 10 ÷ 12 Khu công nghiệp ngoài KKT với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha.

Cũng trong năm 2022 phấn đấu thu hút được khoảng 20 - 25 dự án, trong đó có 01 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu chức năng trong KKT Đông Nam hoặc KCN; tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 400 triệu USD (Giai đoạn 2021-2025, Thu hút đầu tư 100 - 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng)

Ban sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng bảng giá đất các KCN (ngoài KKT Đông Nam) trên địa bàn Tỉnh; giải quyết cơ bản tiến tới dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp tại Khu A, KCN Nam Cấm (66,8ha); hoàn thành và đưa vào vận hành 02 dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung (Nhà máy xử lý nước thải KCN Đông Hồi 2.000m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải KCN WHA 9.600m3/ngày đêm). Đến năm 2025, 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài ra, Ban phấn đấu hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai dở dang, như: các tuyến đường giao thông N2, N5, N5 đoạn 2, D4, v.v... và Hệ thống xử lý nước tại tập trung tại KCN Đông Hồi; khởi công xây dựng mới một số công trình có ý nghĩa quan trọng trong công tác thu hút đầu tư, như: Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường N2 nối KCN Thọ Lộc với QL1A; Đường N3 nối QL1A với KCN Hoàng Mai I; Kênh thoát nước dọc đường N5, v.v.... Tiếp tục thu hút và tạo điều kiện để các nhà đầu tư hạ tầng vào đầu tư xây dựng hạ tầng KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh, như: WHA, VSIP, Hoàng Thịnh Đạt...

Nhằm nắm bắt các cơ hội hội nhập cùng sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu thời gian tới, các KCN và KKT Đông Nam đang chuẩn bị điều kiện ra rao?

Với tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý – kinh tế, nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng ngày càng được tập trung đầu tư, hoàn thiện đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm như: đường cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt; nâng cấp, mở rộng Sân bay Vinh; đầu tư, xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò; đặc biệt HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa ban tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, ngày 13/11/2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An… đã mở ra những cơ hội thu hút đầu tư lớn đối với tỉnh Nghệ An nói chung và KKT Đông Nam nói riêng.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, Ban quản lý KKT Đông Nam đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư, cụ thể:

Thứ nhất, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để định hướng rõ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư và tập ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và thị trường tiếng Trung (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc) với các ngành, nghề chính như: công nghiệp cơ khí chế tạo; điện tử; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng; công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm; công nghiệp hóa chất cơ bản; công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, cụ thể hóa các hỗ trợ đầu tư của tỉnh; các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách trong thực tiễn thu hút đầu tư.

Thứ hai, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các KCN; đặc biệt quan tâm đầu tư cảng nước sâu, nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong KKT Đông Nam và các khu công nghiệp.

Thứ ba, tập trung thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt... tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư kinh doanh.

Thứ tư, phối hợp với các trường đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động có kỹ năng nghề gắn với dự báo nguồn nhân lực trong KCN, KKT, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp/nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum