Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo và cùng các Đội Quản lý thị trường trực thuộc quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa thông suốt.
Những việc làm thiết thực
Theo ông Trần Tùng Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Hưng Yên, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch kiểm tra định kỳ và các kế hoạch kiểm tra chuyên đề trong năm 2021; đồng thời tập trung vào các vấn đề cấp bách trên thị trường, một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, nguyên liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá... Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các vi phạm thuộc ngành quản lý.
Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Ban trong việc chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục thường xuyên quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng, phát triển”. Năm 2021, Cục đã ban hành 08 kế hoạch tổ chức, tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua gắn với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng, triển khai phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm (2021-2025) của UBND tỉnh Hưng Yên. Đồng thời tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” với nhiệm vụ chủ yếu là đoàn kết, tập trung phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021, góp phần hoàn thành kế hoạch toàn diện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của ngành Công Thương; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp... Tạo khí thế sôi nổi, động viên, khuyến khích công chức, người lao động phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của công chức, người lao động về vị trí, vai trò của lực lượng Quản lý thị trường trong giai đoạn mới hiện nay. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
Quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao
Cục trưởng Trần Tùng Lâm nhấn mạnh: Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, Cục Quản lý thị trường đề ra một số giải pháp thực hiện công tác TĐKT năm 2022 như sau: (1) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật thi đua khen thưởng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác TĐKT; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2022.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, hướng phong trào thi đua vào nhiệm vụ chính trị, vào từng lĩnh vực, từng chuyên đề, trong các thời điểm cần thiết. Thông qua phong trào thi đua, huy động mọi tiềm năng, sức sáng tạo của công chức, người lao động, đồng thời phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đơn vị, trong ngành và trên địa bàn, để khích lệ tinh thần hăng say trong công tác, lao động, góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ quan, đơn vị ổn định, phát triển.
Kết quả năm 2021, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 755 vụ, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 442 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng. |
(3) Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức với năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, hách dịch, chống phiền hà sách nhiễu, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tạo điều kiện để công chức tham gia tích cực phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.
(4) Tổ chức, hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của đơn vị, của ngành và địa phương. Tham gia tích cực các phong trào vận động nhân đạo, từ thiện, các công tác xã hội khác. Hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn minh, công sở sạch đẹp, chống tham nhũng, lãng phí.
(5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của công chức trong đơn vị, kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI