HƯNG YÊN

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn

06:37:38 | 5/5/2022

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh Hưng Yên đã chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Thông qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, góp phần hỗ trợ duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế.

Phát huy vai trò kênh cung ứng vốn của nền kinh tế

Sau 25 năm tái lập tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 23 chi nhánh ngân hàng; 10 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành phố, thị xã; 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 92 phòng giao dịch ngân hàng; 65 quỹ tín dụng nhân dân; các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn... Nhìn chung, mạng lưới hoạt động của các ngân hàng, TCTD đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ của DN và người dân trên địa bàn.

Phát huy vai trò huyết mạch trong cung ứng nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các ngân hàng thương mại (NHTM), TCTD đang đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào lĩnh vực theo chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh. Cụ thể, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,4% tổng dư nợ; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ; còn lại là cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngành, lĩnh vực khác. Tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn đạt 76,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, NHNN Chi nhánh Hưng Yên cũng là đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Các NHTM đẩy mạnh phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, gia tăng nhiều tiện ích cho khách hàng lựa chọn, trải nghiệm.

Tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các NHTM triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới theo quy định để giúp khách hàng ổn định sản xuất kinh doanh; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử,…

Theo đó, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế đạt 2,73 nghìn tỷ đồng với 572 khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế đạt 629 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm lũy kế đạt 1,5 tỷ đồng với 242 khách hàng đã được miễn, giảm lãi. Tổng giá trị nợ đã được hạ lãi suất cho vay là 29 nghìn tỷ đồng với trên 45 nghìn khách hàng được hạ lãi suất cho vay hiện hữu. Mức hạ lãi suất từ 0,1%/năm-3,5%/năm, mức phổ biến 0,5%/năm-1,75%/năm. Số tiền lãi thực đã hạ gần 125 tỷ đồng. Các TCTD cũng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay (mức giảm từ 0,5% đến 1%/năm).

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã chủ động cân đối tài chính, thực hiện giảm hầu hết các loại phí giao dịch ngân hàng điện tử cho khách hàng, có ngân hàng miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí quản lý tài khoản, phí phát hành, phí thường niên thẻ…; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm ngân hàng trực tuyến, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hưng Yên thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất 0%. Đến 31/12/2021, dư nợ cho vay hỗ trợ đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 11,4 tỷ đồng so với đầu năm…

Theo ông Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc NHNN tỉnh Hưng Yên, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn phù hợp để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của người dân và DN, tuân thủ quy định về lãi suất của NHNN; mở rộng đầu tư tín dụng, tập trung đầu tư vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, mục tiêu của tỉnh, địa phương. Đơn vị cũng tăng cường phát huy vai trò công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát nội bộ tại các TCTD, kịp thời phát hiện ngăn ngừa các tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Nguồn: Vietnam Business Forum