VĨNH LONG

Đổi mới công tác thanh, kiểm tra, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

06:56:13 | 31/5/2022

Công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn Vĩnh Long có nhiều đổi mới, từ việc xây dựng kế hoạch đến công tác tổ chức thực hiện. Chất lượng, tiến độ các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng lên; kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc và hạn chế chồng chéo, nhất là đối với doanh nghiệp (DN); qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Lê Đồng Khởi - Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long chia sẻ về vấn đề này.

Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra tỉnh Vĩnh Long trong năm 2022?

Đối với công tác thanh tra, bám sát kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2022, Thanh tra tỉnh tiếp tục đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình thanh, kiểm tra. Quá trình thực hiện đều chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thanh tra, nhất là liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tác động tiêu cực.

Việc thanh tra đột xuất chỉ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc các vụ việc do Chủ tịch UBND cùng cấp giao. Ngành cũng chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, hoạt động của các đoàn thanh tra; xử lý nghiêm, kịp thời những tập thể, cá nhân có vi phạm, sai phạm pháp luật… Công tác thanh tra chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực, tập trung vào những nội dung, vấn đề bức xúc, các vi phạm pháp luật và gắn với việc chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân. Công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra hướng trọng tâm vào việc thực hiện hiệu quả các kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan nội chính.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương và tỉnh gắn với tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như kịp thời thanh, kiểm tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo kế hoạch phê duyệt gắn với kiểm tra kết quả thực hiện.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng: kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền thực hiện chỉ đạo của Trung ương, địa phương; các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ… Ngành cũng tăng cường thanh tra trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền và đúng luật định.

Về công tác xây dựng ngành, tiếp tục củng cố lực lượng đủ về số, mạnh về chất, bổ sung cán bộ lãnh đạo; tuyển dụng đảm bảo tiêu chuẩn thanh tra viên, chú trọng phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc trong từng cán bộ, công chức, thanh tra viên; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao.         

Những năm qua, Thanh tra tỉnh đã phát hiện các sự việc thiếu sót, sai phạm của một số cơ quan, DN, tham mưu kịp thời ngăn chặn, xử lý và khắc phục hậu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Ông có chia sẻ thế nào xung quanh các nội dung này?

Trong những năm qua (nhất là trước năm 2019), thông qua hoạt động nghiệp vụ, Thanh tra tỉnh đã phát hiện các hạn chế, thiếu sót của một số cơ quan như: Không thực hiện nộp trả ngân sách kinh phí hỗ trợ, kinh phí cấp bổ sung còn thừa, chi phụ cấp ưu đãi sai quy định,…; thu hoạt động kinh doanh để ngoài không báo cáo quyết toán; thực hiện nghĩa vụ thuế chưa đầy đủ… Từ đó đã kiến nghị các đơn vị tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân và kiến nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị chấn chỉnh quản lý, khắc phục hạn chế, thiếu sót. Đặc biệt, ngành cũng theo dõi, kiểm tra, xử lý không để xảy ra việc thanh tra chồng chéo với DN, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân sách, đầu tư và kinh doanh…

Có được kết quả này là nhờ hàng năm, Thanh tra tỉnh căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra được phê duyệt, hướng dẫn và yêu cầu công việc của Tổng Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh cũng như các dấu hiệu vi phạm pháp luật được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch thanh tra. Trong khi xây dựng kế hoạch luôn rà soát, xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian của Thanh tra các sở, ngành và cấp huyện để điều chỉnh khi trình duyệt nên đạt kết quả cao.

Hoạt động của đoàn thanh tra luôn đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục, phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Ngành cũng thường xuyên tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật đến cán bộ, công chức, cơ quan, doanh nghiệp, người dân; định kỳ 06 tháng và hàng năm đều kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác của thanh tra huyện, sở, ngành, kịp thời phát huy nhân tố tích tực, cách làm hay để nhân rộng và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. 

Thanh tra tỉnh đã tham mưu, thực hiện giải pháp nào nhằm góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng minh bạch hơn, thưa ông?

 Công tác thanh, kiểm tra DN được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhằm hạn chế chồng chéo và tăng cường sự giám sát xã hội của DN. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đoàn thanh tra thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN; kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; không thực hiện lại các nội dung trong phạm vi đã được thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đó trên tinh thần mỗi DN chỉ thực hiện 01 lần/năm.

Để môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn cởi mở, minh bạch hơn, Thanh tra tỉnh đang tập trung các giải pháp sau:

 Thứ nhất, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành tiếp tục phối hợp nhằm tránh chồng chéo để giảm số lần thanh, kiểm tra DN; chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

 Thứ hai, nắm bắt dư luận, phát hiện kịp thời và tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm việc lợi dụng chức, quyền gây khó khăn cho người dân và DN.

 Thứ ba, tiếp tục tham mưu, thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với DN; tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra liên quan đến DN, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và DN.

 Thứ tư, tập huấn cho cán bộ, công chức các quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật thi hành công vụ.

Thứ năm, căn cứ kế hoạch thanh, kiểm tra DN do các cơ quan, đơn vị xây dựng hàng năm, Thanh tra tỉnh sắp xếp các cuộc thanh, kiểm tra trùng lắp thành cuộc thanh, kiểm tra liên ngành để tham mưu UBND tỉnh ban hành. Đặc biệt phối hợp Thanh tra thuế trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra DN hàng năm, hạn chế việc DN phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong một năm và phát sinh chi phí không chính thức.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum