Tháng 10/2022, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 6,41% so với tháng 9 và tăng 16,77% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,90%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,22%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,40% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 10/2022 đều có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm 2021; trong đó, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh ghi nhận mức tăng khá, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như: Giày thể thao ước đạt 1.279,2 nghìn đôi, tăng 23,37%; gạch ốp lát đạt 9.523,6 nghìn m2, tăng 23,22%; ô tô các loại đạt 3.350 xe, tăng 7,48%; xe máy các loại đạt 136.276 chiếc, tăng 11,90%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 22.439,2 tỷ đồng, tăng 22,34% so với tháng 10/2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tính tăng 15,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 11,06% của cùng kỳ năm 2021 và mức tăng 13,89% của cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện). Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 20,54%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,22%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,18%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,71%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,24%; sản xuất ô tô tăng 6,24%… Tính chung 10 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất của 05 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên của tỉnh đều tăng so với 10 tháng đầu năm 2021.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý các vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể, để khơi thông các nguồn lực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI