HẬU GIANG

Trung tâm Dịch Vụ Việc Làm tỉnh Hậu Giang: Góp phần nâng cao chỉ số Đào tạo lao động

16:20:31 | 3/12/2022

Chỉ số “Đào tạo lao động” tỉnh Hậu Giang năm 2021 đạt 6,10 điểm, tăng 0,32 điểm so với năm 2020, xếp 24/63 tỉnh, thành phố và đang trên đà cải thiện. Theo khảo sát của VCCI có tới 91% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông dễ dàng. Góp phần vào kết quả này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đã thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động kết nối cung - cầu lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bám sát cung - cầu thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Phước - Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Hậu Giang cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, Trung tâm triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thị trường về nhu cầu tìm việc, học nghề, vay vốn. Từ năm 2021 đến giữa năm 2022, Trung tâm đã trích xuất 526 file danh sách với gần 40.000 người từ 18-35 tuổi chưa tham gia hoạt động kinh tế của 526 ấp/khu vực để bàn giao cho UBND các xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cấp phát 10.000 phiếu đăng ký nhu cầu tìm việc, học nghề, vay vốn tạo việc làm của lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề hoặc làm việc.

Sau khi thu thập thông tin, Trung tâm sẽ cập nhật liên tục lên trang website vieclamhaugiang.vn, facebook, zalo, phát tờ rơi, áp phích, treo băng rôn; xây dựng hình ảnh, video clip; lồng ghép trong cuộc họp, tập huấn, hội nghị,... Những dữ liệu này góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động và doanh nghiệp tự kết nối với nhau.

Linh hoạt hình thức

Thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức định kỳ nhiều phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của UBND các huyện, xã, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Thông qua các hình thức như: Phiên giao dịch việc làm lưu động, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm,... đã tạo kênh kết nối hiệu quả giữa người lao động - doanh nghiệp. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai nhiều khoá đào tạo nghề: May công nghiệp, điện lạnh, lái xe, trang điểm,... cho hàng trăm lao động.

Trong các tháng cuối năm,Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhất là Kế hoạch số 69/KH-SLĐTBXH ngày 06/9/2022 thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững (trong dự án 4) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2022. Trong đó, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, sinh viên chuẩn bị ra trường và lao động vừa tốt nghiệp các ngành nghề gắn với kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Cụ thể, Trung tâm sẽ tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm quy mô 80 - 100 người/phiên. Lao động tham gia sẽ được các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, ngân hàng và Trung tâm trực tiếp tư vấn việc làm, học nghề, các chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cũng như tiếp nhận thông tin đăng ký việc làm, phỏng vấn, sơ tuyển, cấp phát tờ rơi, cẩm nang việc làm,... nhằm giúp lao động được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động.

Bên cạnh đó, nhằm thích ứng linh hoạt trước tác động của dịch Covid-19 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, Trung tâm cũng tổ chức nhiều phiên (sàn) giao dịch việc làm trực tuyến. Từ tháng 10/2021 đến nay đã tổ chức thành công 28 phiên giao dịch, thu hút 54 lượt doanh nghiệp, 2.321 lượt lao động tham gia, qua đó tạo việc làm cho 830 lao động. Tham gia sàn giao dịch việc làm, người lao động được cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực liên quan đến học nghề, việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng, vị trí tuyển dụng, mức lương, chế độ đãi ngộ; các chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Trong quý IV/2022, Trung tâm sẽ cụ thể hóa nội dung Chương trình liên kết phối hợp các tỉnh thành phố khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Trung tâm phối hợp tổ chức một số phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian tìm kiếm việc làm và tuyển dụng lao động. Dự kiến mỗi phiên giao dịch sẽ thu hút ít nhất 15 nhà tuyển dụng, ít nhất 50 lượt người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Phước cho biết thêm: Với quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Trung tâm, hoạt động DVVL ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động và nền kinh tế - xã hội tỉnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum