Sự hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các KCN đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đòi hỏi các KCN phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN.
Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường” của tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ khi bắt đầu thành lập các KCN, Vĩnh Phúc đã xác định phát triển các KCN phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững trong các KCN. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN hiện đại và đồng bộ, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong các KCN.
Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Song song với việc đôn đốc, giám sát chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trong KCN; thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng KCN. Bên cạnh đó, Ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường trong KCN, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCN. Nhìn chung, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN chấp hành nghiêm quy định phát luật về môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường”.
Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017, với tổng diện tích hơn 213 ha, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… nhằm tạo ra không gian "xanh, sạch, đẹp" trong các doanh nghiệp, nhà xưởng. Chủ đầu tư đã dành hơn 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Việc trồng, chăm sóc cây xanh trong KCN đã và đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi người lao động. Với sự đầu tư bài bản, đồng bộ cùng không gian xanh giúp điều hòa, cân bằng sinh thái, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tiếp tục được lấp đầy bởi các nhà đầu tư và kỳ vọng trở thành một KCN kiểu mẫu với môi trường làm việc thân thiện.
Cùng với KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Khai Quang cũng được đầu tư đồng bộ hệ thống cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rãnh thoát nước mưa… Bên cạnh mục tiêu sản xuất kinh doanh, tiêu chí môi trường công nghiệp luôn được các doanh nghiệp trong KCN Khai Quang đặt lên hàng đầu, nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho người lao động.
Đóng đô trên địa bàn 3 xã, thị trấn Thiện Kế, Bá Hiến và Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, KCN Bá Thiện II rộng hơn 308 ha được thiết kế hệ thống thông tin liên lạc, cây xanh, hệ thống chiếu sáng... khá bài bản. Toàn bộ nước thải sản xuất trong KCN được thu gom, xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý 10.000 m3/ngày đêm; đường giao thông nội khu được xây dựng từ 2-6 làn xe, chiều rộng từ 19,5-39m với mặt đường bê tông chịu lực, đảm bảo tốt nhu cầu lưu thông lớn, đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh và cảnh quan môi trường của các doanh nghiệp.
Thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các KCN, để đảm bảo môi trường phát triển bền vững trong các KCN, Vĩnh Phúc sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN; đồng thời ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, không gây ô nhiêm môi trường; kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI