Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đến năm 2025 Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh công nghiệp đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là: "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" và 1 trong 3 khâu đột phá được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".
Trên lĩnh vực dịch vụ thương mại, Vĩnh Phúc định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại. Đáng chú ý, địa phương xác định phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề này, địa phương sẽ chú trọng triển khai làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc, nhất là khi nhiều địa danh của Vĩnh Phúc đón nhận sự quan tâm của các du khách quốc tế.
Ngày 11/11 vừa qua, tại Lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) lần thứ 29 diễn ra tại Muscat, Vương quốc Oman, thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Giải thưởng thị trấn du lịch hàng đầu thế giới không chỉ tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Tam Đảo trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến với vùng đất này trong thời gian tới.
Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém. Do đó, sắp tới Lãnh đạo Tỉnh cho biết sẽ tập trung cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf, du lịch hội nghị - hội thảo.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc thực hiện kêu gọi đầu tư theo hướng xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, gắn kết với các điểm du lịch hồ Xạ Hương, Làng Hà, thác Bản Long, Ngọc Thanh và vùng phụ cận để tạo ra các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, ưu tiên tập trung các nguồn lực xây dựng các khu vực trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, Vĩnh Thịnh, Hồ Vân Trục... gắn với du lịch qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Tây Bắc.
Lê Nam (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI