Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, đưa Vĩnh Phúc sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn và là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT phát triển. Trong đó có việc triển khai nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, thực hiện nhiều cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Đơn cử tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội trợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cẩu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hoặc có liên quan đến CNHT, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu: Công nghiệp cơ khí, ô tô, xe máy, dệt may, điện tử, tin học, vật liệu xây dựng… Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Vĩnh Phúc chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ,… Điều này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh. Đối với những lao động phổ thông làm việc ở các doanh nghiệp CNHT đều có mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, lao động kỹ thuật, lao động có chuyên môn tay nghề cao mức lương có thể lên tới 12-15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đậu Lê Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC (CNCTech) chia sẻ: Khi đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, CNCTech rất may mắn được các Lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành ủng hộ và hỗ trợ rất nhiệt tình từ công tác khai thác mặt bằng cho đến các thủ tục giấy phép đầu tư, đều được tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ để CNCTech có thể nhanh chóng đi vào vận hành. Nhà máy CNCTech là dự án DDI đầu tiên được chấp thuận đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 466 tỷ đồng và đang tiếp tục mở rộng quy mô thêm 8,2ha, tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng.
Mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh, dựa trên nhu cầu phát triển phù hợp với yêu cầu định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 là một tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước. Nội dung của Chương trình nhằm kết nối hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT áp dụng công nghệ quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyện liệu và vật liệu; xây dựng và vận hành Cổng thông tin về công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc; tiếp cận thông tin, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất…
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 có tổng kinh phí gần 95 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước xấp xỉ 66,103 tỷ đồng và từ nguồn khác (nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân,…) là 28,620 tỷ đồng, phân bổ trong 4 năm từ năm 2022 đến năm 2025. Chương trình hướng đến mục tiêu đưa CNHT của tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Với việc đề ra và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển CNHT linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với làn sóng đầu tư nước ngoài và theo hướng phát triển có chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp Vĩnh Phúc tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI