Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), là nhân tố quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH), giúp kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Những năm qua, công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm. Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Vĩnh Phúc hiện có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 446 dự án, gồm 97 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư 26.558,18 tỷ đồng và 349 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 5.685,09 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2022, các KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 130 nghìn lao động. Để các KCN tăng số lượng và chất lượng, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, thân thiện môi trường, điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch. Theo đó, ngày 25/2/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, với trọng tâm là lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng, lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao là khâu đột phá và lấy nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, đề cao vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 06, Vĩnh Phúc đã tạo ra bước đột phá đáng kể về chất lượng nguồn nhân lực, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; mạng lưới các cơ sở giáo dục tương đối đa dạng về loại hình, trình độ, ngành nghề đào tạo; công tác tuyển sinh, đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng được thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 17/9/2021 về đào tạo nghề giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, tuyển sinh, đào tạo nghề cho 285.166 người; trong đó, trình độ cao đẳng 31.464 người, trung cấp 87.767 người, sơ cấp 163.846 người, đào tạo chương trình chất lượng cao 2.089 người. Bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo trên 57.000 người, trong đó tuyển mới khoảng 25.000 người; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%. Cụ thể, trong năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,2%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,8%; năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,4%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 36,1%; năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79.6%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 37.4%; năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80,8%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 38,7% và năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%. Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 42% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học GDNN.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển các KCN, tạo sự hợp lý giữa cung - cầu lao động; nâng cao nhận thức về chất lượng nguồn nhân lực trong các KCN, hoàn thành quy hoạch các cơ sở đào tạo nghề gắn với các KCN.
Đồng thời, rà soát, quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với vị trí địa lý và quy mô hợp lý; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành để có trình độ chuyên môn tay nghề cao; có ý thức, tác phong và kỷ luật lao động tốt, nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Quỳnh Ngọc (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc