HÀ NAM

Ngành Công Thương: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

15:13:01 | 9/3/2023

Thời gian qua, đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và biến động của tình hình kinh tế thế giới, ngành Công Thương tỉnh Hà Nam đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhờ đó đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, năm 2022, các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp - thương mại đều có mức tăng trưởng cao, đạt và vượt kế hoạch. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam.


 Doanh nghiệp được hỗ trợ thiết bị từ Đề án Khuyến công

Theo thống kê, năm 2022 cơ bản các mục tiêu đề ra của ngành Công Thương tỉnh Hà Nam đối với công nghiệp - thương mại đều có mức tăng trưởng cao, đạt và vượt kế hoạch. Ông có thể chia sẻ những con số nổi bật?

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 176.274,1 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021, vượt 1,2% kế hoạch năm. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 41.228,6 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021, vượt 14,6% kế hoạch năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 5.568 triệu USD, tăng 13,7% so với năm 2021, vượt 26,6% so với kế hoạch năm. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 4.832 triệu USD, tăng 21% so với năm 2021, vượt 24,5% so với kế hoạch năm. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có tốc độ tăng cao như: Thiết bị điện, điện tử ước tăng 16,9%; xi măng và clanke tăng 29,4%; đồ chơi trẻ em tăng 27,4%,... so với năm 2021.

Nhằm nâng cao Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (1 trong 10 chỉ số thành phần PCI), ngành đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào?

Nhằm thực hiện, triển khai Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/8/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI) Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao chỉ số thành phần PCI được giao. Năm 2021, Sở ban hành Kế hoạch số 967/KH-SCT ngày 13/7/2021, năm 2022 ban hành Kế hoạch số 1075/KH-SCT ngày 01/8/2022. Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các chỉ số thuộc lĩnh vực quản lý của ngành:

(1) Chỉ số liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA): Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ các nội dung của các FTA cho các doanh nghiệp.

(2) Chỉ số liên quan đến thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp (CCN): Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức triển khai có hiệu quả Phương án để tạo quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh (SXKD); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thuê đất thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Sở đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số thành phần PCI như:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện cam kết của UBND tỉnh đối với các nhà đầu tư về đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động SXKD. Tăng cường công tác giám sát tình hình cấp điện, chất lượng điện năng của các đơn vị phân phối và bán lẻ điện để nắm bắt và có những phối hợp chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là tình hình cấp điện tại các khu, CCN, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Triển khai hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường liên kết vùng, hợp tác với các tỉnh trong khâu tiêu thụ hàng hóa. Triển khai các đề án thương mại điện tử; duy trì, phát triển, đưa các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn thương mại điện tử tỉnh Hà Nam: santhuongmaihanam.com.vn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SXKD trên địa bàn tỉnh quảng bá, cập nhật thường xuyên, liên tục các sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các sàn voso.vn, Postmart.vn,...

Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; các hội nghị kết nối cung - cầu trên cả nước; hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia hội nghị tham tán thương mại tổ chức dịp cuối năm tại Bộ Công Thương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có trên 400 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép tỉnh Hà Nam được đặt văn phòng cấp CO (chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu) trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình khuyến công quốc gia và địa phương; hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục hưởng ưu đãi trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ,...

Vậy các mục tiêu mà ngành đề ra cho năm 2023 là gì, thưa ông?

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX. Với kết quả tích cực trong năm 2022, toàn ngành có cơ sở để kỳ vọng cho năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Theo đó, ngành đề ra các mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 198.132 tỷ đồng, tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 47.722 tỷ đồng, tăng 15,8% so với ước thực hiện năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15% so với ước thực hiện năm 2022.

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương Hà Nam thì mục tiêu đề ra cho năm 2023 sẽ trở thành hiện thực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành (Vietnam Business Forum)