Những năm qua, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa xã hội, dịch vụ và hạ tầng khu đô thị được thực hiện đồng bộ đã thúc đẩy Kim Bảng chuyển mình rõ nét sang đô thị, là địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Thăng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng xung quanh những nỗ lực này.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Thăng phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với đoàn viên, hội viên huyện Kim Bảng
Với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, đến cuối năm 2022, cơ bản các xã trong huyện đều đạt từ 13 -17 tiêu chí trong 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao theo đúng Quyết định số 43/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh. Ông có thể cho biết thêm về những kết quả mà Kim Bảng đã đạt được trong năm 2022?
Năm 2022, UBND huyện đã triển khai thực hiện Quyết định số 318, 319 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 43/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay cơ bản các xã đều đạt từ 13-17 tiêu chí trong 19 tiêu chí NTM nâng cao. UBND huyện cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn 06 xã Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Thụy Lôi, Ngọc Sơn, Liên Sơn, Hoàng Tây thực hiện các tiêu chí của xã NTM nâng cao. Một số điểm nhấn nổi bật trong xây dựng NTM nâng cao của huyện, cụ thể:
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh năm 2010) đạt 1.382,3 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 21.901 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021. Huyện tập trung phát triển sản xuất tại 03 CCN Biên Hòa, Nhật Tân, Thi Sơn và thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 03 CCN mới Thi Sơn 1, Lê Hồ, Đồng Hóa. Các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch cũng từng bước phát triển. Kim Bảng tích cực thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hồ sơ, GPMB dự án sân golf 36 hố và khu vực phụ trợ xã Tượng Lĩnh, khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tuyến đường Ba Sao - Bái Đính tạo liên kết Vùng du lịch Hà Nam - Hòa Bình - Ninh Bình,...
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo. Đến nay toàn huyện có 32 dự án phát triển đô thị, nhà ở, trong đó có 04 dự án cơ bản thi công xong, 09 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, GPMB, 19 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tạo động lực phát triển đô thị, huyện đang tập trung đầu tư các tiêu chí nâng loại đô thị Kim Bảng (chỉnh trang các tuyến đường, vỉa hè, điện chiếu sáng...), phấn đấu được công nhận huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV trong quý II năm 2023.
Công tác GPMB được chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ phục vụ các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng nối từ đường nối VĐ4 - VĐ5 qua QL38 đến đường QL21 (tuyến chính), sân golf tại xã Tượng Lĩnh, tuyến đường Ba Sao - Bái Đính, các khu đô thị,...
Lĩnh vực văn hóa xã hội: Trong năm 2022, huyện quan tâm giải quyết việc làm mới cho 3.845 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,2%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 77,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng còn 8,3%, thể thấp còi còn 17,7%. Kim Bảng luôn giữ top đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục đại trà và điểm bình quân chung các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi vào lớp 10 hàng năm. 100% xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92,5%.
Ý thức vệ sinh môi trường nông thôn gắn với phong trào trồng và chăm sóc hoa, cây xanh được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, đã tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Huyện chú trọng thu hút các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99,1%.
Nâng cao giáo dục quốc phòng - an ninh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện cơ bản ổn định. Cải cách hành chính từng bước hiện đại, ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa liên thông dịch vụ mức độ 3, 4 và nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Phạm Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị
Kim Bảng đặt ra mục tiêu cụ thể ra sao để tiếp tục bứt phá cho năm 2023, thưa ông?
Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội XX của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh dự báo có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao hơn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội: “Tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh (nhất là Covid-19). Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là kết cấu hạ tầng các dự án trọng điểm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh CCHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Huyện Kim Bảng được công nhận đô thị loại 4 năm 2023 và tiến tới thành lập thị xã trước năm 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị nhằm tạo ra bộ máy của Đảng và chính quyền, mặt trận và đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đủ sức chiến đấu, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra; tiếp tục thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, Trung ương 8 (khóa XII)”.
Du khách đến du xuân tại khu du lịch quốc gia Tam Chúc vào đầu năm 2023
Kim Bảng đã thực hiện Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025 thành những việc làm thiết thực, cụ thể như thế nào?
Thực hiện Chương trình hành động số 2114/CTr-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao PCI giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
(1) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cắt giảm các TTHC không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.
Tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC, tạo chuyển biến căn bản trong việc giải quyết TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
(2) Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ: Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bố trí cán bộ công chức có kinh nghiệm, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử,... làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
(3) Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước: Trong đó trọng tâm là hoàn thiện kết nối liên thông trong toàn tỉnh và thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, nâng cao tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến và hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tại bộ phận một cửa của huyện, xã.
Thực hiện công khai, minh bạch và công bố rộng rãi, đầy đủ, kịp thời thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư,...
(4) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Nâng cao chất lượng và cung cấp ổn định các dịch vụ cho doanh nghiệp về điện, nước, viễn thông, tín dụng, ngân hàng… để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, của huyện.
(5) Chấn chỉnh, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp: Thanh tra huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ trì tham mưu xây dựng Kế hoạch thanh tra liên ngành hàng năm; hoạt động thanh tra được thực hiện đảm bảo theo quy định pháp luật, tránh chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm mỗi doanh nghiệp chỉ được thanh tra, kiểm tra 01 lần/năm theo đúng tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI