Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của thị trường xi măng năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ của VICEM Bút Sơn vẫn đạt được con số ấn tượng: ước đạt 3,472 triệu tấn. Trong đó, xi măng ước đạt trên 3,150 triệu tấn; clinker đạt trên 322 nghìn tấn. Để tìm hiểu thêm thông tin, Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn.
Đâu là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của VICEM Bút Sơn năm 2022?
Năm 2022, ngành xi măng phải đối diện với khó khăn kép, như: Giá cả các loại vật tư và nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất (than, xăng dầu,…) tăng cao. Giá than nhập khẩu có thời điểm tăng đến 490 USD/tấn, nguồn cung khan hiếm; giá dầu thế giới liên tục leo thang và có thời điểm vượt ngưỡng 122 USD/thùng. Thêm vào đó, dư cung xi măng tiếp tục ở mức cao, nhất là tại thị trường Hà Nam - nơi có sản lượng sản xuất đứng đầu cả nước. Năm 2022, cả nước sản xuất đạt gần 107 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ trong nước gần như không tăng; xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Philippines,… sụt giảm mạnh tạo nên áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa ngày càng lớn.
Trước tình hình đó, VICEM Bút Sơn luôn theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến thị trường, tìm các giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng phân khúc thị trường nhằm ổn định công tác tiêu thụ, giữ thị phần, độ phủ tại các địa bàn.
Cụ thể, đối với thị trường trong nước, trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu xi măng và xu hướng chuyển dịch với tốc độ nhanh từ xi măng bao sang bê tông thương phẩm, VICEM Bút Sơn đã khảo sát, đánh giá toàn diện thị trường, hệ thống phân phối, tổ chức, rà soát, sắp xếp lại hệ thống phân phối, cơ cấu lại địa bàn, phân vùng thị trường, đánh giá, lựa chọn nhà phân phối (NPP) có năng lực về tài chính, vận tải, hệ thống bán hàng và có kinh nghiệm trong công tác kinh doanh xi măng để phát huy hiệu quả cao nhất. Xác định lợi thế của Công ty để tập trung xây dựng các thị trường gần nhà máy, thị trường cốt lõi; chú trọng tăng trưởng sản phẩm cốt lõi tại các địa bàn. Tạo sự gắn kết giữa Công ty với hệ thống phân phối; tổ chức vinh danh NPP chính có sản lượng tiêu thụ lớn. Thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời những vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao nhận xi măng; không ngừng cải tiến và nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng,… Đồng thời, nhận thức những rủi ro khi phụ thuộc thị trường nước ngoài, (có khi tăng rất cao nhưng có khi lại giảm rất nhanh cả về số lượng và giá bán), VICEM Bút Sơn xác định thị trường trong nước mới là thị trường bền vững.
Công ty cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, bán hàng như: Triển khai phần mềm quản lý thông tin chuỗi tiêu thụ và logistics; áp dụng hóa đơn điện tử; hoàn thiện toàn bộ các nội dung chương trình số hóa chuỗi tiêu thụ của Công ty.
Trong công tác sản xuất, nhờ lợi thế về công nghệ, chất lượng, sản phẩm xi măng VICEM Bút Sơn được các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công đánh giá rất cao, trở thành thước đo chuẩn mực về chất lượng. Xi măng VICEM Bút Sơn được tin tưởng để sử dụng tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Sơn La, cầu Thanh Trì, đường vành đai 2, 3 của Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1; công trình tuyến đường ven biển,…
VICEM Bút Sơn đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường sử dụng chất thải từ các ngành công nghiệp (bùn thải, rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo,…): tối ưu hóa các công đoạn trong dây chuyền sản xuất, sử dụng tối ưu nguồn than có phẩm cấp thấp (4a, 4b.1, 5b) kết hợp sử dụng tối đa các loại nguyên, nhiên liệu thay thế. Nhờ đó, giúp hạ giá thành sản xuất trong bối cảnh giá than tăng cao, khó khăn về nguồn cung; tiết kiệm chi phí trong tất cả các lĩnh vực.
Năm 2022, doanh thu và thu nhập khác của Công ty đạt 3.173.330 triệu đồng, tăng 106% (so với năm 2021); lợi nhuận trước thuế 72.014 triệu đồng (bằng 95%), nộp ngân sách nhà nước 129.889 triệu đồng (bằng 85%),…
Bên cạnh việc hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, VICEM Bút Sơn cũng luôn chú trọng đầu tư công nghệ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đặc biệt tích cực chung tay cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
VICEM Bút Sơn đã thực hiện Dự án tận dụng nhiệt khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023; Cải tạo hệ thống máy nghiền liệu dây chuyền 1,… tối ưu hóa công đoạn lò nung để tăng lượng rác thải công nghiệp thay thế nhiệt than, sử dụng bùn thải thay thế đất sét, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường.
Song song đó, Ban lãnh đạo Công ty luôn đặc biệt quan tâm tới công tác an sinh xã hội. Năm 2022, VICEM Bút Sơn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Kim Bảng; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Hà Nam; tặng quà Tết cho gia đình cán bộ công nhân viên Công ty có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các trung tâm thương binh nặng, gia đình chính sách, hỗ trợ kinh phí tu sửa đền thờ liệt sĩ E27 tỉnh Quảng Trị, hỗ trợ nguồn vốn để tổ chức thực hiện, cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT.495C (đoạn từ Km0+00 đến Km7+170) địa bàn huyện Thanh Liêm,… với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Tiến Trình - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và ông Phạm Bá Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty trao quà tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng
VICEM Bút Sơn đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho năm 2023 như thế nào, thưa ông?
Ngày 13/12/2022, Công ty cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết công tác tiêu thụ năm 2022 và Ký kết hợp đồng tiêu thụ năm 2023 với các NPP. Cụ thể, Công ty đặt kỳ vọng tiêu thụ 3.900.000 tấn sản phẩm, trong đó có 3.350.000 tấn xi măng và 550.000 tấn clinker; là đơn vị tiên phong trong công nghệ sản xuất “Xi măng Xanh” thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cùng các thương hiệu VICEM nâng tầm ngành xi măng Việt Nam trên trường quốc tế mở rộng thị trường xuất khẩu với nhãn hiệu “Quả Địa cầu” bay khắp 5 châu.
VICEM Bút Sơn tổ chức Lễ tổng kết công tác tiêu thụ năm 2022 và Ký hợp đồng tiêu thụ năm 2023
Vậy ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Hà Nam?
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2022, tuy nhiên tỉnh Hà Nam vẫn có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi sự năng động, cởi mở của chính quyền tỉnh; đồng thời là sự nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đặc biệt, GRDP của tỉnh đạt 10,82%, đứng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và thứ 12 toàn quốc. Quốc phòng được củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh Hà Nam và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, sự ủng hộ của các đối tác,… đặc biệt là công sức của đội ngũ những nhà nghiên cứu khoa học, các kỹ sư và người lao động, VICEM Bút Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước khẳng định mình và trưởng thành lớn mạnh. |
Năm 2023, UBND tỉnh Hà Nam đặt ra 16 chỉ tiêu phát triển KT - XH chủ yếu; trong đó phấn đấu GRDP đạt 50.764,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Để thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trước mắt là xây dựng kế hoạch và tổ chức công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các công trình, dự án trọng điểm về giao thông, thương mại, du lịch, đô thị, có tính kết nối liên vùng, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi KT - XH; các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2023 để phát huy hiệu quả đầu tư.
Chính vì những lý do trên, tin tưởng rằng trong năm 2022- 2023 và các năm tiếp theo, sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm năng đầu tư vào tỉnh nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI