Sau 26 năm tái lập (1997 - 2023), từ một nền sản xuất nông nghiệp thủ công truyền thống, đến nay, Bắc Ninh đã tạo được những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh lương thực và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Đây cũng là những nền tảng quan trọng để đưa tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện, trở thành cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: “… tiếp tục thu hút, phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”.
Mô hình sản xuất dưa Baby trong nhà lưới của Công ty TNHH Hương Việt Sinh (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du)
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển (giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ước đạt chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp). Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Cơ giới hóa được triển khai đồng bộ đã góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giá trị sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp,...
Toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng CNC với tổng diện tích 161,65ha. Trong đó 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 132,52ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích29,13ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 72 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động, trong đó có 02 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quátrình sản xuất, 04 cơ sởchăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống. Ngoài ra, có 153 cơ sở nuôi trồng thủy sản được đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, có 01 HTX đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu cá sạch, cung cấp ra thị trường 400-500 tấn cá/năm, doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/năm.
Bắc Ninh đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương
Ông Nguyễn Công Trình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết: Việc ứng dụng rộng rãi khoa học CNC vào sản xuất đã giúp những sản phẩm nông nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng..., qua đó tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là hướng đi tất yếu mà còn cần thiết với một địa phương có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có nhiều lợi thế về vị trí địa lý như Bắc Ninh.
Cùng với phát triển nông nghiệp CNC, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh tiếp tục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Đến nay, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% các xã, huyện trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng NTM nâng cao hướng tới NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao. 62 sản phẩm được phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh và 2 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.
Thúc đẩy liên kết, bền vững
Theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế phát triển bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị nông nghiệp CNC chiếm từ 35-40% tổng giá trị toàn ngành.
Hướng tới phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung lập dự án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, trang trại ứng dụng CNC, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung ở một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: Rau, củ, quả, chuối tiêu hồng, khoai tây, trứng gà, lúa. Toàn tỉnh đã thu hút được gần 200 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã có những đóng góp quan trọng tạo bước đột phá trong sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn được cấp chứng nhận, một số mô hình tổ chức liên kết sản xuất đầu ra với các công ty lớn, siêu thị, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, cung cấp sản lượng thực phẩm sạch lớn cho thị trường.
Điển hình là các mô hình liên kết như: Kết nối doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và bao tiêu đầu ra với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP Đại Thành; Mô hình liên kết sản xuất lúa giống của Công ty CP giống cây trồng Bắc Ninh; Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ khoai tây thương phẩm của Công ty Orion;…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Trình cho biết: Ngành Nông nghiệp địa phương đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%. Đến năm 2030 sẽ phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành đang hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để có thể làm chủ và chuyển giao công nghệ sản xuất,… góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Thành Long (Vietnam Business Forum)