Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức song sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua vẫn đạt được những kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang phát biểu tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ông có thể chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tuy chịu ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn của kinh tế toàn cầu nhưng SXCN tỉnh Bắc Giang vẫn có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Giá trị SXCN 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 238.782 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47% so với kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 38.605 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 194.477 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai thác ước đạt 1.013 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến ước đạt 236.055 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước ước đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 274 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 27.078 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ, đạt 66,9% so với kế hoạch năm. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.522 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ước đạt 7.556 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 cũng có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 19.693 triệu USD, đạt 37,8% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10.355 triệu USD, đạt 38,3% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9.338 triệu USD, đạt 37,3% kế hoạch năm.
Sở Công Thương đã có những giải pháp gì nhằm tăng cường quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy phát triển SXCN trên địa bàn, thưa ông?
Sở Công Thương đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban thông qua điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030; ban hành quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn. Sở cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách tổng hợp, theo dõi tiến độ xây dựng, đầu tư của các CCN nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án CCN trên địa bàn.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 54 CCN, tổng diện tích 2.168ha. Hiện 32 CCN có hạ tầng kỹ thuật đi vào hoạt động, tổng diện tích 1.010ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho doanh nghiệp thứ cấp thuê 517ha với 248 dự án. 223 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động; 25 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.
Ông có thể cho biết đâu là những mục tiêu hàng đầu mà ngành Công Thương sẽ chú trọng trong thời gian tới cũng như những giải pháp trọng tâm trong năm 2023?
Năm 2023, Sở Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu giá trị SXCN đạt khoảng 507,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2022; nhập khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2022.
Ông Vương Huy Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hoàng Long: Chủ đầu tư CCN Việt Tiến, huyện Việt Yên cho biết: Năm 2023, mặc dù hoạt động của các công ty trong CCN gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nhờ vào các giải pháp cụ thể, kịp thời, phù hợp, sát thực tiễn của UBND tỉnh Bắc Giang cũng như ngành Công Thương đã phần nào giúp doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi và phát triển. |
Nhằm thúc đẩy hoạt động công nghiệp - thương mại đạt và vượt các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục tập trung thực hiện công tác quản lý ngành, Sở Công Thương tỉnh sẽ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, về phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy đang hoạt động, nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động và các dự án SXCN đang triển khai; phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Thường xuyên theo dõi, chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Tăng cường công tác quản lý CCN trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, nắm bắt thực tế tình hình đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất.
Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI, Chỉ số Par Index, Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS. Triển khai thực hiện hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI