Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động chính trị và suy thoái kinh tế thế giới; tác động khó lường của biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,... nhưng với nỗ lực vượt khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh An Giang vẫn tăng trưởng khả quan, tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang.
Ông nhận định như thế nào về những tác động của tình hình chính trị - kinh tế toàn cầu với hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang?
Xung đột Nga - Ukraine, sự suy thoái kinh tế thế giới cùng diễn biến thời tiết, dịch bệnh bất thường thời gian qua đã tác động đáng kể đến lĩnh vực nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra. Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, thủy sản An Giang tăng trưởng đạt 3,29%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (2,51%).
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh An Giang, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ về sản lượng và kim ngạch.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng năm 2023 tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, hai mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh là lúa gạo và cá tra có đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước (2,51%). Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định; sản lượng gieo trồng và năng suất tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá bán hầu hết các loại rau màu và cây ăn trái ở mức khá so với cùng kỳ như xoài tượng da xanh, xoài cát Hòa Lộc, mít, rau cải,...
Trong định hướng ngành hàng lúa gạo, An Giang chú trọng xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu
Trước những khó khăn và thách thức của thị trường, ngành Nông nghiệp đã đề ra những giải pháp gì?
Thứ nhất, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế dựa trên các trụ cột sau: (1) Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm; (2) Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu; (3) Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xem doanh nghiệp là đầu tàu thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định; (4) Phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác một cách đồng bộ và đa dạng loại hình: Phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn với doanh nghiệp, phát triển HTX đa dịch vụ (tổ chức sản xuất, liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra nông thủy sản).
Thứ hai, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với các hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến, tiêu thụ.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành.
Thứ tư, tăng cường công tác dự báo thị trường, xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp “đầu tàu”. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đào tạo các chuyên gia đầu ngành gắn với từng ngành hàng, lĩnh vực, theo chuỗi giá trị; ưu tiên đào tạo đội ngũ quản lý cho phát triển kinh tế hợp tác. Chú trọng hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, kỹ thuật viên nông nghiệp cơ sở, cung cấp thông tin thị trường, kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Ngành Nông nghiệp An Giang đã có những chuyển biến tích cực, hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới. Ông có thể cho biết một số định hướng mà ngành đề ra để có thể phát huy thành quả đó?
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và tăng sức cạnh tranh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp An Giang sẽ định hướng triển khai thực hiện các nội dung:
Một là, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là động lực tăng trưởng mới, là nhân tố then chốt, quan trọng giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ theo liên kết chuỗi giá trị.
Hai là, tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và cải thiện môi trường đầu tư; công khai, minh mạch trong quá trình xử lý hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt các ngành hàng chủ lực của tỉnh An Giang.
Ba là, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, tập trung tổ chức cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và gắn với nhu cầu thị trường.
Năm là, triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Sáu là, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; các mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ IoT, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.
Những năm qua, tỉnh An Giang đã rất quyết liệt trong cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Vậy vấn đề CCHC được ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng ra sao, thưa ông?
Thời gian qua, Sở đã triển khai thực hiện cải cách TTHC một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ cho tổ chức, cá nhân với mục tiêu luôn đồng hành cùng tổ chức, các cơ sở, đại lý và doanh nghiệp. Từ đó, đã tạo được lòng tin rõ nét cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cơ sở, đại lý khi thực hiện các TTHC liên quan đến nông nghiệp nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung.
Sở đã thực hiện cung cấp 95/96 TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), cụ thể: 52 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3, 43 DVCTT mức độ 4 và còn 01 TTHC đang rà soát, tái cấu trúc đánh giá mức độ đáp ứng DVCTT. Tiếp tục rà soát thực hiện triển khai DVCTT đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 và đẩy nhanh tuyên truyền thông tin để tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và thanh toán phí bằng hình thức trực tuyến hoặc thông qua bưu điện để không còn hiện trạng tổ chức, cá nhân phải đi lại khi thực hiện TTHC do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.
Thêm vào đó, Sở đã thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp và CCHC từ rất sớm do Giám đốc Sở làm Trưởng ban để hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và luôn đồng hành xem khó khăn của doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu phải kịp thời chủ động hỗ trợ xử lý dứt điểm theo đúng quy định về quản lý chuyên ngành, qua đó đã tạo ra sức lan tỏa trong việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản và đầu tư nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trân trọng cảm ơn ông!
Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI