HÀ GIANG

Đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình giao thông trọng điểm

14:45:54 | 18/9/2023

Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Từ định hướng trên, cùng với đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang vừa mới được khởi công, tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn góp phần từng bước tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, tạo động lực mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tiến độ dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, thực hiện các chức năng về đầu tư xây dựng công trình giao thông; làm chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách; tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật,… Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (Ban QLDA giao thông tỉnh) luôn bám sát kế hoạch, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án.

Ông Nguyễn Khắc Hưng, Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh cho biết: “Hiện nay, Ban QLDA Giao thông tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều công trình trọng điểm, mang tính liên hoàn và kết nối cao như: Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; dự án cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177) giai đoạn 1; dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.183 đoạn Km17 - Km52 và đường Phố Cáo, Đồng Yên đến giáp địa danh Lục Yên (Yên Bái); dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Km13 - Km17 và Km36+183 - Km46+00, ĐT.176 (Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc);…”.

Trong đó, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có tổng chiều dài 27,5km với điểm đầu tuyến cuối cầu Vĩnh Tuy vượt sông Lô; điểm cuối tuyến tại Km244+350, quốc lộ 2, giao giữa quốc lộ 2 với đường tỉnh 177, xã Tân Quang (Bắc Quang). Quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/giờ (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe), tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025. Trên cơ sở mặt bằng được bàn giao, hiện nhà thầu đang khẩn trương tổ chức thi công đào, đắp nền đường, thí nghiệm vật liệu đầu vào và chuẩn bị vật liệu để thi công hạng mục công trình thoát nước, hầm chui dân sinh,… Dự án sau khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng.

Với Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177), đoạn Km0 - Km55 (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp, gồm: Đoạn từ Km0 - Km13 (gói thầu số 9); đoạn Km13 - Km29 (gói thầu số 10); đoạn Km29 - Km41+494,81 (gói thầu số 11). Hiện tại, các đơn vị thi công đã tiến hành tập kết vật liệu, đúc cấu kiện ống cống thoát nước, thi công một số vị trí tường chắn taluy, nền đường, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, du lịch cho các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Ông Nguyễn Khắc Hưng chia sẻ: “Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Hầu hết đội ngũ viên chức, lao động Ban QLDA giao thông tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; nghiên cứu, có nhiều giải pháp quản lý phù hợp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác nghiệm thu thanh toán, giải ngân kịp thời, đúng quy định, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư”.

Trong thời gian tới, để bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, Ban QLDA giao thông tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ gắn với thường xuyên đôn đốc đơn vị thiết kế, đơn vị thi công và đơn vị giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án, đảm bảo các công trình hoàn thành đúng thiết kế, chất lượng và tiến độ,… Qua đó, góp phần từng bước hoàn thiện và phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh.

Duy Binh (Vietnam Business Forum)