NAM ĐỊNH

Công nghệ số: Động lực xây dựng nông thôn mới thông minh

13:49:00 | 24/10/2023

Chuyển đổi số được xem là giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái, có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh. Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.

Nỗ lực trong xây dựng NTM thông minh là mục tiêu và quyết tâm của tỉnh Nam Định. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, tỉnh đã giao Sở TT&TT tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về chuyển đổi số cho các địa phương, phát huy vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại cấp xã và thôn xóm, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng của internet vào đời sống nhân dân tại nông thôn.

Tại xóm Lâm Phú, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), chúng tôi ấn tượng bởi khung cảnh yên bình, khang trang, sạch đẹp và mức độ “số hóa” trong cuộc sống. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xóm rộng 500m² được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ đạt 80%. Nhiều mặt hàng của người dân trong xóm, nhất là cá và rau củ đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua internet, giúp tăng số lượng tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Phạm Văn Minh, Trưởng xóm Lâm Phú cho biết: Xóm mới triển khai xây dựng mô hình xóm NTM thông minh được khoảng 5 đến 6 tháng nay, nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, Lâm Phú đã trở thành đơn vị đầu tiên của xã Giao Phong được công nhận xóm NTM thông minh, góp phần giúp xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

Đến với Hà Tĩnh, mô hình NTM thông minh tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), UBND xã cấp cho mỗi hộ dân một mã QR, trong đó tích hợp tất cả các thông tin dân cư, hiện trạng sản xuất, cơ cấu lao động, sơ đồ vườn tược… được kết nối giữa các hộ gia đình với nhau thông qua internet.Ngoài việc giúp định danh các hộ dân một cách dễ dàng, thông qua mã QR mỗi người dân cũng như cán bộ thôn xóm khi thấy môi trường, đường giao thông, phân loại rác thải… chưa bảo đảm, có thể quay video phản ánh qua phần mềm quản lý để có thể giám sát, đôn đốc lẫn nhau, đồng thời cán bộ thôn, xã có thể nắm bắt và có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, tại thôn Hà Thanh, sau khi đặt tên đường, đánh số nhà cho tất cả các tuyến đường, hộ dân thì việc nhận diện, cập nhật tình hình tại đây đã được số hóa, chỉ cần một thao tác quét mã QR trước cổng thôn, du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống của từng gia đình một cách dễ dàng.

Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng, bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao... Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, năm 2022, đơn vị đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; tham mưu, trình Tổ trưởng Tổ công tác ban hành 6 quyết định; trình lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền: 01 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình...Các địa phương cũng đã linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng mạnh mẽ internet trong quản lý, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng

Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm mô hình “làng thông minh” còn tồn tại một số bất cập, trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí cụ thể, quy trình xây dựng làng thông minh. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số gặp nhiều khó khăn.

Việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số chưa phù hợp điều kiện hạ tầng, văn hóa, canh tác, sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực nhiều khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn còn thấp cho nên việc tiếp thu kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu... do vậy việc đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số ở các địa phương là rất cần thiết. Cần tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng NTM các cấp và người dân, cộng đồng ở nông thôn. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, HTX và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Phát động các phong trào, các đợt thi đua tham gia hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh. Ông Phương Đình Anh nói

Đầu tư và hoàn thiện trang thiết bị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM nâng cao, NTM thông minh, tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm du lịch nông thôn…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện gồm: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.Chuyển đổi số trong xây dựng NTM góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Ngọc Minh (Vietnam Business Forum)