TIỀN GIANG

Thành phố Mỹ Tho: Tháo điểm nghẽn đầu tư, khơi nguồn lực bứt phá

12:23:49 | 11/1/2024

Bên cạnh việc quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là các công trình giao thông tạo không gian phát triển mới, TP.Mỹ Tho cũng thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính (CHHC) gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh,…; qua đó đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư và thúc đẩy sự phát triển TP.Mỹ Tho. Ông Nguyễn Quang Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Tuy đối mặt với không ít khó khăn song TP.Mỹ Tho đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội và đô thị năm 2023. Ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả đạt được này?

Trong năm 2023, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; từ đó đã hoàn thành đạt, vượt hầu hết mục tiêu quan trọng. Nổi bật, tổng giá trị sản xuất ước đạt 55.7047 tỷ đồng, tăng 5,07% so với năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 24.752 tỷ đồng, tăng 12,0%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.985 tỷ đồng, tăng 4,07%; tổng thu ngân sách 794 tỷ đồng, đạt 89,11%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 13.580 tỷ đồng; thu nhập bình quân 101,3 triệu đồng/người/năm,…

TP cũng đã hoàn thành Điều chỉnh chung quy hoạch TP.Mỹ Tho đến năm 2050 trình cơ quan thẩm định phê duyệt; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu Bắc để lập quy hoạch chi tiết khu tái định cư cho các dự án chỉnh trang phát triển đô thị; tổ chức lấy ý kiến dân cư về nội dung điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đường Hùng Vương và hai bên đường… TP còn đẩy mạnh triển khai 13 công trình vốn ngân sách tỉnh (tổng vốn giao 57 tỷ đồng, đã giải ngân 55 tỷ đồng và hoàn thành 02 công trình); 142 công trình do các phòng, ban làm chủ đầu tư (tổng vốn 433 tỷ đồng, đã hoàn thành 21 công trình) và 194 công trình UBND các phường, xã làm chủ đầu tư (tổng vốn giao 106 tỷ đồng, đã hoàn thành 142 công trình)…

Công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục triển khai mạnh mẽ; có 320 doanh nghiệp và 1.148 hộ kinh doanh thành lập mới trong năm. Nhiều dự án về hạ tầng đô thị được đẩy nhanh thủ tục hoàn thiện làm cơ sở xúc tiến, thu hút nhà đầu tư: Dự án khu dân cư dọc sông Tiền - TP.Mỹ Tho, Dự án Khu dân cư An Hoà, Dự án Khu dân cư Nguyễn Công Bình và khu dân cư hai bên đường… Đáng kể nữa, dự án Khu Trung tâm thương mại Mỹ Tho cũng hoàn thành đi vào hoạt động trước Tết Nguyên Đán năm 2024.

Có thể thấy, tuy chưa nổi bật nhưng kết quả đạt được đã tạo niềm tin, động lực để TP.Mỹ Tho tiếp tục vượt qua qua thách thức hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong năm 2024 và thành công cho cả giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã gợi mở nhiều cơ hội thu hút đầu tư mới cho TP.Mỹ Tho những năm tới. Ông có thể chia sẻ về những cơ hội mang lại cho TP?

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện các bước cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là cơ sở để TP.Mỹ Tho phối hợp cùng các sở, ngành quảng bá tiềm năng thế mạnh, giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực.

Trước hết, trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại: TP. Mỹ Tho là trung tâm hành chính của tỉnh, nằm cách không xa TP.Hồ Chí Minh và hội tụ nhiều thuận lợi về giao thông, dân số tập trung, lại đang trên đà đô thị hoá mạnh mẽ và tạo ảnh hưởng lan toả tới vùng kinh tế - đô thị phía Tây, phía Đông của tỉnh. Mỹ Tho là đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, nơi dự trữ hàng hóa ổn định giá cả thị trường nên là điều kiện lý tưởng để các dự án thương mại, dịch vụ lớn triển khai trên địa bàn, tạo dư địa cho các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực này.

Mỹ Tho cũng được xác định là trung tâm du lịch của tỉnh và cả khu vực, trạm dừng chân đầu tiên để du khách đến tham quan Đồng bằng sông Cửu Long. Mỹ Tho có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn cùng phát triển đa dạng loại hình dịch vụ du lịch về văn hóa, lịch sử; nổi bật là chùa Vĩnh Tràng, nhà Bạch Công tử, … luôn là điểm thu hút đông đảo du khách. TP đang đẩy mạnh thu hút đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, du lịch nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách, từ đó tăng hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch. 

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch các phân khu, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, được xác định là một trong 3 khâu đột phá phát triển của Mỹ Tho giai đoạn 2020 - 2025. Để thực hiện khâu đột phá này, TP đang mời gọi đầu tư các dự án lớn như khu dịch vụ hỗn hợp sông Tiền, hệ thống xử lý nước thải khu đô thị trung tâm; các khu dân cư, dịch vụ như khu dân cư Trung An, khu đô thị Mỹ Phong, đường Nguyễn Công Bình nối dài và khu dân cư 2 bên đường…


Gắn CCHC với chuyển đổi số

Những năm gần đây, công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đang được TP Mỹ Tho quan tâm triển khai bằng và đem lại những hiệu quả thiết thực ra sao?

TP.Mỹ Tho đã quan tâm đẩy mạnh toàn diện cả 6 lĩnh vực CCHC, và có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, TP đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành theo phân cấp; công khai các văn bản quy phạm pháp luật, TTHC, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên phương tiện thông tin và niêm yết tại các cơ quan hành chính để người dân, DN dễ tiếp cận, tra cứu.

Cho đến nay, hệ thống Một cửa điện tử thành phố đã cung cấp 411 dịch vụ công trực tuyến (trong đó mức độ 3 có 165 thủ tục và mức độ 4 có 246 thủ tục). Các TTHC, nhất là liên quan lĩnh vực đất đai đang được nâng cấp và thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm giảm bớt việc đi lại của người dân.

Trong thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC chính gắn liền với công tác chuyển đổi số; xem đây là khâu đột phá trong việc xây dựng chính quyền hành động. TP đang nỗ lực để đạt được mục tiêu đến năm 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phổ biến liên quan đến nhiều người dân và DN được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; 80-90% văn bản, hồ sơ công việc cấp được trao đổi thực hiện trên môi trường mạng. TP cũng triển khai hiệu quả phần mềm Văn phòng điện tử tại các phòng, ban, đơn vị và UBND phường, xã để từng bước xây dựng chính quyền điện tử.


Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra công tác GPMB Khu tái định cư của Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, tháng 10/2023

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum