KIÊN GIANG

Đẩy mạnh chuyển đổi số

13:25:29 | 9/1/2024

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.


Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Kiên Giang cùng các doanh nghiệp ký bản cam kết về cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân

Xác định CĐS là xu thế tất yếu, mở ra cơ hội để vươn lên mạnh mẽ, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 08/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 24/12/2020 về CĐS tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh về Chiến lược CĐS tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Với quan điểm ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng về văn hoá, con người, kinh tế, xã hội địa phương, hướng đến phát triển Kiên Giang thịnh vượng, ổn định và bền vững. Phấn đấu tỉnh Kiên Giang nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số CĐS tốt nhất của cả nước.

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng số được tăng cường đầu tư, phát triển đồng bộ. Địa phương hiện có 2.389 vị trí phát sóng di động 3G, 4G và đang đưa vào thí điểm mạng di động công nghệ 5G tại một số vị trí trên địa bàn TP.Rạch Giá và TP.Phú Quốc. 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn được triển khai, nâng cấp mạng nội bộ, trang thiết bị văn phòng, thiết bị bảo mật và kết nối mạng internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng, phục vụ công tác chuyên môn,…

Song song với việc đầu tư hạ tầng, nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung được đưa vào triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã; hệ thống Văn phòng điện tử; hệ thống thông tin báo cáo, nền tảng họp trực tuyến qua thiết bị đầu cuối; họp không giấy; hệ thống thư điện tử công vụ; chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng internet; biểu mẫu, chế độ báo cáo; chuẩn hóa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo liên thông giữa 100% sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, Trung tâm dữ liệu tỉnh Kiên Giang được vận hành đảm bảo an toàn hiệu quả 24/7, hạ tầng được bảo trì, bảo dưỡng và rà soát an toàn thông tin theo quy định. Bảo trì, bảo dưỡng tốt các hệ thống dùng chung từ tỉnh đến cấp xã. Hỗ trợ vận hành kỹ thuật cho các phần mềm tác nghiệp của các sở, ban, ngành và các địa phương. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được vận hành ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu kết nối chia sẻ và khai thác dữ liệu từ các hệ thống thông tin nội tỉnh đến các hệ thống, cở sở dữ liệu của bộ, ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung tại các dịch vụ nền tảng văn bản, dịch vụ kết nối hệ thống lý lịch tư pháp, dịch vụ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; dịch vụ kết nối thông tin bảo hiểm xã hội,…

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình CĐS. Kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về CĐS. Tập trung triển khai đồng bộ hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng đánh giá mức độ CĐS của tỉnh Kiên Giang. Tập trung phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu của các đơn vị, địa phương, thực hiện chia sẻ dữ liệu nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương đáp ứng yêu cầu của CĐS của tỉnh. Tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS để các cơ quan, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của CĐS, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Nguồn: Vietnam Business Forum