Những năm qua, tỉnh Kiên Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất và đời sống. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đoàn kiểm tra thực tế mô hình nuôi luân canh cá chốt trắng (Mystus gulio F.Hamilton, 1822) - lúa tại một hộ nông dân trên địa bàn huyện Kiên Lương
Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020 - 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện 03 đề tài, dự án cấp quốc gia; 56 đề tài, dự án cấp tỉnh; 27 đề tài, dự án cấp cơ sở. Tổ chức nghiệm thu 02 đề tài, dự án cấp quốc gia; 25 đề tài, dự án cấp tỉnh; 14 đề tài, dự án cấp cơ sở. Các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tập trung phục vụ phát triển sản xuất, phát triển thế mạnh của tỉnh. Trong đó, các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất; tiếp đến là các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược.
Cụ thể, tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, xuất khẩu chính của tỉnh như: Lúa gạo, tôm, nước mắm, công nghiệp chế biến nông sản,... Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN đã được ứng dụng rộng rãi, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã ứng dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, công nghệ IoT, tưới tiết kiệm nước,.... lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn (RAS), nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc, semi biofloc, copefloc, lồng công nghệ Na-Uy,...
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã được triển khai nhằm xây dựng và phát triển du lịch của tỉnh như: Xây dựng mô hình du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn ven sông Cái Lớn, Cái Bé; xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng; phát triển du lịch có trách nhiệm ở tỉnh Kiên Giang;...
Ngoài ra, các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội và nhân văn đã cung cấp kịp thời luận cứ khoa học làm cơ sở đề ra các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của tỉnh. 100% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, y dược đều có triển khai mô hình thí điểm thực tế và kết quả được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và đời sống của người dân.
Kiên Giang cũng tích cực xây dựng các chương trình KH&CN trọng điểm; thành lập và phát triển mạng lưới các đơn vị nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, chuyển giao KH&CN; doanh nghiệp KH&CN; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và triển khai đề án cấp tỉnh về bảo tồn gen; xây dựng và phát triển nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Theo đó, TFP đóng góp trong tăng trưởng kinh tế tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 hơn 31%, tăng 5,4% so với giai đoạn 2011 - 2015. |
Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ đề tài, dự án khoa học cấp quốc gia, thông báo đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia theo yêu cầu của Bộ KH&CN. Trong đó, ưu tiên các đề tài, dự án khoa học triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ 5 năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tập trung huy động nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề KH&CN cấp thiết của các ngành, các địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại vào các lĩnh vực đời sống và sản xuất, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum