BÌNH THUẬN

Ngành Nông nghiệp: Khẳng định vai trò trụ cột cho tăng trưởng kinh tế

09:46:48 | 26/1/2024

Bình Thuận có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, vì thế tỉnh xác định nông nghiệp là 1 trong 3 “Trụ cột” của nền kinh tế. Từ đó ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đến nay, Bình Thuận hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: vùng sản xuất thanh long, diện tích 27.320 ha với sản lượng 605.000 tấn; vùng sản xuất cây ca su có diện tích 45.250 ha, sản lượng 66.000 tấn; vùng sản xuất lúa toàn tỉnh dao động trong khoảng 120.000 ha, sản lượng hơn 700.000 tấn; vùng sản xuất cây điều với diện tích 17.820 ha, sản lượng ước đạt 12.900 tấn. Đẩy mạnh công tác giống, thúc đẩy sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao; đưa giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 80,3 triệu đồng năm 2021 lên 88 triệu đồng năm 2023. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao; đến nay, toàn tỉnh có 26.062 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (đạt 20,9% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cần tưới theo quy hoạch).

Đối với ngành chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Toàn tỉnh có 65 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; đã cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 60 trang trại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cho 25 trang trại quy mô lớn, có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất thủy sản cũng được cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm khoảng 210.000 tấn; Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất; nuôi thủy sản nước lợ có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi, xuất hiện nhiều cơ sở nuôi tôm chân trắng công nghệ cao (nuôi 2, 3 giai đoạn) với diện tích trên 120 ha, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha/vụ; diện tích nuôi thâm canh khoảng 300 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ. Tôm giống Bình Thuận tiếp tục phát huy lợi thế, duy trì thương hiệu trên thị trường với sản lượng 25 tỷ post/năm. Các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và nước thải riêng biệt, áp dụng quy trình vi sinh trong ao nuôi, sử dụng các loại máy theo dõi môi trường nước nuôi, máy cho ăn tự động; một số cơ cơ áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến như ASC, BAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, với tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43,11% (nếu tính bao gồm cả cây công nghiệp và cây dài ngày, tỷ lệ che phủ mảng xanh toàn tỉnh là 55%); việc thực hiện chuyển hóa rừng trồng, trồng mới, trồng lại rừng với mục đích kinh doanh gỗ lớn được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gỗ.

Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều cơ chế, biện pháp, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao. Kết quả trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư khoảng 521,03 tỷ đồng; trong đó, đã có 04 dự án đưa vào hoạt động kinh doanh và 06 dự án đang triển khai xây dựng. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 249 dự án nông, lâm, thủy sản với tổng nguồn vốn là 53.148,22 tỷ đồng; trong đó, có 215 dự án đã hoạt động kinh doanh ổn định (chiếm trên 86%), 34 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 14%). Trong đó, có 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích 1.145 ha và tổng mức đầu tư 2.043,95 tỷ đồng.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao theo Nghị Quyết 05-NQ/TU đặt ra; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, xác định được tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp hiện đại; các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan để thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ lấy sản lượng làm trọng tâm sang chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện trình phê duyệt các Đề án sản phẩm chủ lực, quan trọng, bao gồm kèm bản đồ định hướng vùng phát triển để làm cơ sở triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, có trọng tâm, có mục tiêu. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá trị gia tăng của nông sản. Ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp có thể làm ngay, như truy xuất nguồn gốc, giao dịch và tiêu thụ nông sản,... Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, vùng chăn nuôi, dịch bệnh, thị trường,...); kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp. Phát triển mô hình HTX kiểu mới có vùng nguyên liệu tập trung chủ động liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm. Tiếp tục phát triển các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường tham gia dự án để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành hiệu quả; từ đó hỗ trợ phát triển các vùng, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng có sản lượng lớn, thuận lợi giao thông, logistics.

Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường, chú trọng đến thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản chủ lực sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc và mở rộng thị trường nông sản sang các vùng lãnh thổ có tiềm năng khác.

Nguồn: Vietnam Business Forum